Thăng Bình tọa đàm bàn “Giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp huyện Thăng Bình”.

Sáng 29.4, ông Nguyễn Xuân Vũ- Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình chủ trì buổi tọa đàm bàn “Giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp huyện Thăng Bình”.

 

Quang cảnh tọa đàm

Đến thời điểm hiện nay, huyện Thăng Bình đã có 19 Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và cá nhân thực hiện liên kết sản xuất, tích tụ tập trung ruộng đất  (TTTTRĐ) được 696 ha. Nổi bật trong mô hình TTTTRĐ và liên kết sản xuất ổn định và có chiều hướng phát triển là Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, Bình Nam, Bình Hải, Bình Quý, Bình Chánh.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018- 2020 đã thu hút được 14 chủ thể, với 17 sản phẩm. Về chuỗi liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM, đến nay có 70 dự án được triển khai ở hầu hết các địa phương trên các lĩnh vực. Đồng hành cùng người dân, HTX, THT, trong thời gian qua, các doanh nghiệp như những đầu tàu cùng tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển ổn định và nâng cao giá trị nông sản.

 

Các chủ thể OCOP tham gia phát biểu

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, quá trình hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, trở thành “rào cản” lớn mà chưa có các giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Đa số HTX và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, quy mô nhỏ, tính bền vững vẫn chưa cao. Một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ nông dân thực hiện liên kết sản xuất, tích tụ đất đai nhưng không bền vững. Bên cạnh đó, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết cũng xảy ra giữa các chủ thể, khó xử lý về mặt pháp lý.

Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, các chủ thể, HTX, THT cũng đã đóng góp ý kiến, kiến nghị như: cần đẩy mạnh TTTTRĐ; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP thời gian đến.

Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình  yêu cầu các ngành, cơ quan liên quan cần phải hướng dẫn các thủ tục, chính sách hỗ trợ đến với người dân, HTX, chủ thể OCOP.  Các xã phải đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc vận động tuyên truyền ban đầu. Không khoán trắng cho HTX, chủ thể.  Đối với chủ thể OCOP không chồng chéo, giẫm chân lên nhau mà phải tương tác để cùng phát triển. Cần đổi mới sản phẩm, bảo vệ thương hiệu. Các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư không chỉ liên kết sản xuất, mà còn tạo thương hiệu, đưa sản phẩm  mới vào sản xuất. Đa dạng cách bán hàng theo từng đối tượng. Chủ thể khởi nghiệp phải vượt qua khó khăn, vươn ra để thành công, dìu nhau để cùng đi lên. 

THÀNH CHÂU - GIANG BIÊN - TRUNG THỰC

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI