Thăng Bình chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa

Hiện nay, lúa đông xuân 2020 - 2021 chính vụ trên địa bàn huyện Thăng Bình đang ở giai đoạn trổ - chín. Tuy nhiên, trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại. Qua kinh nghiệm canh tác lúa, cũng như khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây lúa.

 

Nông dân phun trừ rầy gây hại

Canh tác 1,4ha lúa trên cánh đồng tích tụ tập trung ruộng đất ở thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, những ngày này, ông Phan Đình Thọ thường xuyên thăm đồng, vạch gốc lúa để kiểm tra đồng ruộng. Theo ông Thọ, giai đoạn này cây lúa đang trổ, sẽ có nhiều sâu bệnh gây hại nhất là rầy nâu và rầy lưng trắng. Khi thăm đồng phát hiện sâu bệnh gây hại thì kịp thời phun trừ. Như vậy mới đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao.

Cũng canh tác gần 1ha lúa trên cánh đồng ở thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, bà Phan Thị Diện cho biết, trên đồng ruộng này hiện nay đã xuất hiện một số ổ rầy, mặc dù ruộng của gia đình mình chưa bị rầy gây hại nhưng mình phải phun phòng trước. Theo kinh nghiệm của bà Diện thì phun thuốc phòng trừ rầy hiệu quả khi rầy còn ít và ruộng còn nước, khi ruộng cạn nước phun sẽ không hiệu quả, rầy gây hại rất nhanh, giảm năng suất lúa.

Rầy nâu, rầy lưng trắng là đối tượng dịch hại nguy hiểm. Bởi, đặc điểm của rầy là mật độ tăng rất nhanh do có sự xen lứa với nhau. Đặc biệt hơn ở những giống dễ nhiễm bệnh và những nơi gieo sạ dày, cộng với thời tiết nắng nóng, một số chân ruộng bị khô hạn dẫn đến rầy rất dễ phát triển gây hại. Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, để phòng trừ rầy hiệu quả, bà con phải thường xuyên thăm ruộng, kiểm tra kỹ ruộng lúa ngay trong giai đoạn trổ - chín để kịp thời phát hiện rầy. Vạch gốc lúa để kiểm tra kỹ, khi rầy có mật độ bình quân từ 2 con/dảnh lúa (khoảng 2.000 con/m2) trở lên thì dùng thuốc BVTV đặc hiệu để phun trừ rầy. Đối với các “ổ rầy” cần khoanh vùng và phun kỹ để tiêu diệt triệt để.

“Để đạt hiệu quả diệt trừ cao, khi phun thuốc trừ rầy cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.Giai đoạn lúa chắc xanh đến chín sáp khi phun thuốc phải vạch gốc lúa theo hàng và dùng vòi phun trực tiếp vào các gốc lúa có rầy mới cho hiệu quả. Trước khi phun nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy. Nồng độ liều lượng phải thực hiện đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, phun đủ lượng nước và thuốc để hiệu quả diệt rầy cao” - ông Hồ Ngọc Quảng khuyến cáo.

Theo thống kê, toàn huyện Thăng Bình hiện có 216ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng. Trong đó, có 198ha nhiễm nhẹ, 15ha nhiễm mức độ trung bình, 3ha bị nhiễm nặng. Diện tích này phân bố ở 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Ngoài rầy gây hại, thì trên đồng ruộng hiện nay còn xuất hiện bệnh đạo ôn cổ lá, đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại 38,5 ha tại các xã: Bình Tú, Bình Trung, Bình Định Nam, Bình Sa, Bình Quế, Bình Giang… bà con cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh. Khi xác định trên ruộng có vết bệnh trên cổ bông thì tiến hành dùng thuốc để phun trừ. Tốt nhất nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa trổ lác đác.

MINH TÂN – KIM TUYỀN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI