THĂNG BÌNH: CHỦ ĐỘNG ĐIỀU TIẾT NƯỚC CHO SẢN XUẤT HÈ THU

Theo dự báo, sản xuất vụ Hè Thu năm nay gặp nhiều khó khăn do nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng kết hợp với gió Tây Nam xuất hiện sớm và kéo dài hơn mọi năm, làm gia tăng mức độ khô hạn và thiếu nước nghiêm trọng cho các vùng sản xuất lúa. Thế nhưng tại các cánh đồng ở huyện Thăng Bình, nhờ việc chủ động điều tiết nguồn nước, kết hợp với ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy, nên đến thời điểm này, hầu hết các cánh đồng đều đảm bảo được nguồn nước để bà con tiếp tục sản xuất trong vụ hè thu này.

Cánh đồng ở tổ 1 và tổ 2 thôn Hiền Lương xã Bình Giang, đã là giữa vụ Hè thu, nhưng mực nước ở các chân ruộng vẫn liên tục được giữ ở mức 5cm, dù đây là chân ruộng cách đường dẫn của tuyến kênh chính hơn 12km. Lão nông Lưu Trí Dự, cũng là thành viên trong tổ thủy nông của xã Bình Giang khẳng định, năm năm trở lại đây, chưa bao giờ việc canh tác lúa của bà con nơi đây gặp trở ngại vì thiếu nước. “ Mỗi ngày, đều phải có 2 thành viên túc trực để hướng dẫn bà con lấy nước đúng cách. Khi lượng nước vừa xấp mặt chân ruộng, chúng tôi sẽ đóng lại để dẫn nước đến những chân ruộng nằm xa kênh hơn”- ông Dự nói.

 

(Cánh đồng Hiền Lương ( Bình Giang), lượng nước vẫn đang rất dồi dào)

Canh tác hơn 01 mẫu ruộng trên cánh đồng này, năm nào, năng suất lúa của gia đình ông Nguyễn Đình Mức, cũng xấp sĩ 70 tạ/ha. Trước mỗi mùa vụ, ông cùng với 75 thành viên trong hợp tác xã nông nghiệp Bình Giang 1, đều tiến hành ra quân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để tránh thất thoát nước. “ Vì hợp tác xã của chúng tôi hiện đang liên kết sản xuất với một công ty giống, nên mọi khâu từ làm đất, vệ sinh đồng ruộng, bón phân, đều phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất. Đặc biệt là nguồn nước, phải được giữ ở mức ổn định, nhất là vào giai đoạn lúa đang đứng cái, làm đòng, nếu thiếu hụt, năng suất chắc chắn sẽ không đạt yêu cầu”- ông Mức khẳng định.

 

(Tại các cánh đồng ở vùng Tây, lúa vẫn đang phát triển tốt giữa mùa nắng nóng)

Ông Nguyễn Thanh Thảo, phó giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình cho biết: Trước lúc vào vụ hè thu, UBND huyện đã chỉ đạo cho chúng tôi và các ngành liên quan, phải thành lập nhiều đoàn kiểm tra về từng vùng, để nắm bắt và kiểm tra tình hình nguồn nước ở các con sông, các hồ chứa. Từ đó, đưa ra dự báo nguồn nước sẽ tưới đủ bao nhiêu diện tích khi nắng nóng cục bộ kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Đồng thời lên phương án lâu dài để đảm bảo nguồn nước tưới đến cuối vụ. “ Đối với các hồ chứa nước ở cánh Tây của huyện như Phước Hà, Đông Tiễn, Cao Ngạn, đơn vị đã khuyến cáo bà con thực hiện giải pháp tưới là “ ướt khô xen kẽ”, vì hiện dung lượng chứa dưới 50%, trong khi phải đến hơn một tháng nữa, lúa mới bắt đầu chín. Còn riêng đối với các cánh đồng ở vùng Đông của huyện, chúng tôi đã có phương án là bơm nước từ các trạm bơm ở đầu kênh, ở sông Trường Giang để đảm bảo lượng nước cho bà con sản xuất đến cuối mùa vụ”- ông Thảo nói.

Cũng theo ngành chức năng, đây là năm đầu tiên trong 38 năm qua, mực nước ở các hồ chứa  Thăng Bình xuống thấp đến mức kỷ lục. Vì vậy, việc chủ động điều tiết nguồn nước, thường xuyên túc trực tại các cánh đồng, được xem là việc làm cần thiết vào giữa mùa nắng nóng để góp phần đảm bảo được nguồn nước sản xuất cho bà con trong vụ Hè Thu. Do đó, cùng với ngành Thủy lợi, thì chính quyền các địa phương và người dân, cũng cần nghiêm túc thực hiện lịch tưới để tiết kiệm nước một cách hiệu quả nhất.

THÀNH CHÂU - MINH TÂN

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI