Thuê đất bỏ hoang để sản xuất lúa

Nhiều diện tích đất bỏ hoang, không sản xuất được hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình đã đứng ra thuê đất để làm lúa, cấy nếp vụ hè thu này. Đây là việc làm vừa tạo được hiệu quả kinh tế, vừa giúp cải tạo đất và giảm được việc bỏ hoang đất đang diễn ra ngày càng nhiều tại các địa phương hiện nay.

Vào thời điểm này, hầu hết lúa vụ hè thu trên địa bàn huyện Thăng Bình đã bước vào giai đoạn đẻ nhánh làm đòng. Thế nhưng 7ha đất sản xuất ở khu phố 4 thị trấn Hà Lam mới bắt đầu được cấy giống nếp Hương Lân. Ba năm trở lại đây toàn bộ diện tích đất này bị bỏ hoang. Một phần vì đất ở đây bùn lầy, quá  sâu, mặc khác khi người dân gieo sạ thì bị chuột cắn phá nghiêm trọng. Vì vậy nhiều năm, nông dân nơi đây chẳng mấy mặn mà làm lúa. Trước thực trạng này, đầu vụ hè thu, HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình đã đứng ra thuê đất của 45 hộ dân tại đây để sản xuất giống nếp Hương Lân. Điều khá thuận lợi cho HTX, đó là các nông hộ đều thống nhất giao đất, thậm chí, nhiều nhiều hộ đã hiến đất cho HTX sử dụng đến 3 năm, với tổng diện tích khoảng 3ha.

Ông Huỳnh Diên là một trong rất nhiều nông dân khu phố 4 đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất cho HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình sản xuất. Ông Diên cho rằng, đất ở đây quá sâu, chuột cắn phá nghiêm trọng. “Mỗi khi gieo hạt giống xuống, lập tức chuột cắn phá. Không chỉ đầu vụ, mà cho đến cuối vụ vẫn bị chuột gây hại. Xong mùa, nhẩm tính đi tính lại thu về chẳng được bao nhiêu mà công cán, thuốc bảo vệ thực vật bỏ ra đã tiền triệu. Tính thế nên bà con bỏ hoang  đất khu này. Bây giờ HTX đồng ý thuê đất lại để cải tạo sản xuất, bà con ở đây phấn khởi giao ngay. Riêng tôi và mấy hộ nữa đã đồng ý hiến liền 3 năm để HTX yên tâm sản xuất, cải tạo lại khu vực này” - ông Diên nói thêm.

 

Do chân ruộng sâu và có nhiều bùn nên người dân phải dùng thuyền để vận chuyển mạ cấy

Theo ông Trần Hữu Tịnh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình, bà con miễn tiền thuê đất cho HTX là điều khá thuận lợi. Tuy nhiên hầu hết những diện tích mà HTX thuê lại đều rất khó sản xuất. Chỉ tính riêng 7ha tại khu phố 4 thị trấn Hà Lam, trước khi cấy nếp, HTX phải cải tạo đất, vệ sinh toàn bộ khu vực. Do ở đây quá lâu không sản xuất nên bờ vùng, bờ thửa nhấp nhô, bụi rậm xung quanh um tùm đã trở thành nơi trú ẩn của chuột. Ngoài ra, đất ở đây sình lầy và sâu nên việc đưa cơ giới hóa cũng khó khăn. Toàn bộ diện tích này phải thuê hơn 100 công lao động để tiến hành cấy. Mỗi công lao động nữ được HTX trả từ 250.000 đến 280.000 đồng/ngày, công lao động nam là 320.000 đồng/ngày. Mặc dù việc cấy tốn khá nhiều công nhưng điểm thuận lợi là cây lúa đã lớn nên không bị chuột, ốc bươu vàng cắn phá.

 

Việc cấy lúa giúp hạn chế được sự gây hại của chuột và ốc bươu vàng

Ông Trần Hữu Tịnh cho biết, vụ hè thu này là mùa thứ 2, HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình đứng ra thuê đất của bà con nông dân để sản xuất lúa và nếp. Ở vụ này, HTX thuê khoảng 20ha đất của bà con nông dân ở các xã Bình Nguyên, thị trấn Hà Lam, Bình Phục và Bình Đào để sản xuất các giống nếp Hương Lân, nếp Cẩm, lúa ST24. “Đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện Thăng Bình diễn ra ngày càng nhiều. Do vậy với vai trò là HTX Nông nghiệp, chúng tôi cũng mong muốn góp sức để giải quyết phần nào bài toán bỏ đất hoang. Đặc biệt, HTX hướng đến việc khôi phục các loại nếp Hương Lân, nếp Cẩm và gạo ST24 để tạo ra mặt hàng có giá trị kinh tế trên thị trường và tạo hướng đi riêng cho HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình” -  ông Trần Hữu Tịnh- Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình cho hay.

TRUNG THỰC – GIANG BIÊN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI