Bơm nước chống hạn cho lúa
- Chi tiết
- Chuyên mục: KINH TẾ
- Lượt xem: 313
Nắng nóng kéo dài, mực nước các hồ thủy lợi đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khiến việc cung cấp nước tưới cho diện tích canh tác lúa hè thu năm nay ở Thăng Bình đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, tại nhiều địa phương nông dân đang chủ động dùng máy bơm để chống hạn cho lúa.
Canh tác lúa tại tổ 15, thôn Lý Trường (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình), năm nào ông Nguyễn Cảnh cũng dành rất nhiều thời gian để lấy nước cho lúa. Tuy nhiên, theo ông Cảnh thì đây là năm, việc lấy nước khó khăn nhất. Ông Cảnh cho biết, trước đây, cánh đồng thuộc các tổ 12,15 và 16 của thôn Lý Trường được cung cấp nước từ hồ thủy lợi Phước Hà, nhưng năm nay mực nước tại hồ thấp nên từ đầu vụ hè thu đến nay, cánh đồng này không có nước. “Đây đã là lần thứ 3 tính từ đầu vụ đến nay tôi phải dùng máy bơm dầu của gia đình để bơm nước tưới cho 8 sào lúa của mình. Từ vị trí máy bơm đến chân ruộng xa nhất là 300 mét, tôi đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua ống dây dẫn nước”. Cũng giống như ông Cảnh, gần 100 hộ dân đang canh tác tại cánh đồng này đều phải dùng máy bơm của gia đình để bơm nước phục vụ cho việc sản xuất lúa. Tuy nhiên, do khoảng cách từ đập chống hạn thôn Lý Trường (xã Bình Phú) đến các chân ruộng cuối đồng khá xa nên việc bơm nước rất khó khăn. “Tôi canh tác gần 3 mẫu ruộng, từ đầu vụ đến nay, dù rất cố gắng nhưng tôi cũng chỉ có thể bơm nước cho khoảng 1,5 mẫu ruộng ở gần đập, diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước từ hồ thủy lợi Phước Hà. Tuy nhiên, hiện nay nước từ hồ không về đến nên lúa sinh trưởng rất kém” – anh Nguyễn Kim Phú, tổ 12 thôn Lý Trường, xã Bình Phú) nói. Theo anh Phú, việc phun thuốc bảo vệ thực vật hay bón phân cho lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nước nên không có nước thì gần như không thể thực hiện được.
Nắng nóng kéo dài, nhiều nông dân chủ động bơm nước chống hạn cho lúa.
Ông Đoàn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú (Thăng Bình) cho biết, từ đầu vụ hè thu này, địa phương đã đầu tư gần 20 triệu đồng để mua thiết bị và đường ống dẫn nước để bơm nước từ đập chống hạn thôn Lý Trường vào mương thủy lợi để phục vụ nước cho bà con. Ngoài ra, tiền dầu chạy máy bơm cũng được địa phương hỗ trợ 100% . Ông Lê Hải – Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cho biết, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, do tác động của hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng nên mùa lũ năm 2019 lượng mưa thấp, tổng lượng mưa nhiều hồ chứa thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Trong khi đó, vụ Đông Xuân 2019-2020 nắng nóng liên tục nên nguồn nước tại các hồ chứa thuộc Chi nhánh quản lý không thể cân đối đủ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp cả năm 2020. Tính đến ngày 30/6/2020 mực nước ở hồ Phú Ninh ở cao trình +29,90m/MNC +20,44m ứng với dung tích hữu ích là 88 triệu mét khối nước. Mực nước này thấp hơn 1,39 mét so với cùng kỳ năm 2019, thấp hơn 2,83 mét so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong 37 năm vận hành và quan trắc được. Trong điều kiện nắng nóng phức tạp như hiện nay, để đảm bảo lượng nước tưới cho cây lúa thì hồ Phú Ninh một ngày đêm phải tiêu tốn lượng nước khoảng 2,5 triệu mét khối nên lượng nước còn lại của hồ qua cân đối chỉ đảm bảo cấp đến này 5/8/2020 trong khi thời điểm kết thúc tưới phải đến cuối tháng 8/2020. Ông Hải cũng cho biết, hiện đơn vị đang thực hiện việc điều tiết nước phục vụ cho khoảng 6.500ha lúa trên địa bàn huyện Thăng Bình. Trong đó, 3 hồ thủy lợi trên địa bàn huyện là Cao Ngạn, Đông Tiển và Phước Hà phục vụ nước tưới cho khoảng gần 1.000ha. Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn đang ở mức rất thấp. Cụ thể, mực nước ở hồ Đông Tiển cho đạt 17% so với dung tích thiết kế, tỷ lệ này ở các hồ Cao Ngạn là 26%, Phước Hà là 38%. “Từ đầu vụ hè thu, dự báo tình hình nước tưới sẽ gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi đã chủ động cắt giảm diện tích tưới khoảng 220 ha. Những diện tích còn lại, chúng tôi sẽ cố gắng tưới tiết kiệm theo hình thức “ướt khô xen kẽ” để đảm bảo nước tưới cho người dân. Chúng tôi cũng mong muốn người dân cần chủ động trong việc lấy nước và thực hiện tưới một cách tiết kiệm nhất để đảm bảo nước đến cuối vụ” – ông Lê Hải- Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cho biết thêm.
TRUNG THỰC
Tin mới
- Bình Phú có hơn 40ha keo sản xuất bị chết do nắng nóng - 30/07/2020 02:36
- Thuê đất bỏ hoang để sản xuất lúa - 17/07/2020 09:36
- Tăng cường công tác chống hạn vụ hè thu năm 2020 - 15/07/2020 08:46
- Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hương kiểm tra mô hình trồng hoa lan - 15/07/2020 08:43
- THĂNG BÌNH: CHỦ ĐỘNG ĐIỀU TIẾT NƯỚC CHO SẢN XUẤT HÈ THU - 14/07/2020 02:05
TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT
- Tin mới đăng
- Tin xem nhiều
-
Làm giàu từ chăn nuôi gà - 2018-08-22
-
Truyền thống làm Xoa xoa ở Bình Nguyên - 2021-01-27
-
Thăng Bình sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn - 2018-12-10
-
Lò lân anh Vỹ - 2018-08-10
-
Khai mạc giải bóng đá nam huyện Thăng Bình 2018 - 2018-07-26
-
Huyện đoàn Thăng Bình khởi động tháng thanh niên - 2018-03-05
-
Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12) - 2018-11-29