Tinh bôt nghệ Tabitha hướng đến OCOP

Với ước mơ lập nghiệp và khai thác tiềm năng nông sản tại quê hương, chị Đặng Thị Tố Nga (Bình Lãnh, Thăng Bình) đã phát triển mô hình sản xuất tinh bột nghệ Tabitha, với mong muốn đưa sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng.

 

 

Chị Đặng Thị Tố Nga giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ Tabitha.

Đầu năm 2018, khi con gái đang du học tại Mỹ bị đau dạ dày, mỗi lần vào bệnh viện tốn rất nhiều tiền; nghe mọi người hướng dẫn uống tinh bột nghệ nguyên chất với mật ong rừng sẽ chữa được bệnh dạ dày. Chị Nga đã bắt tay vào làm tinh bột nghệ và mua mật ong gởi qua Mỹ cho con gái sử dụng và hết đau. Từ đó, chị Nga suy nghĩ, vì sao sản phẩm tốt như vậy mình không làm nhiều ra để vừa giúp đỡ cho mọi người, vừa có thêm thu nhập cho gia đình. Và từ đó, sản phẩm tinh bột nghệ Tabithado chị Đặng Thị Tố Nga làm chủ đã ra đời.

Với số vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, chị Nga đầu tư mua máy móc, nguyên liệu về làm, nhưng do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần bị thất bại. Chị Nga nhớ lại, trước đây các máy móc dùng để xay nghệ đều sử dụng hệ thống điện một pha, nhưng điện một pha thì yếu nên khi xay nghệ thì không đảm bảo yêu cầu, cho ra thành phẩm chất lượng không cao. Sau một thời gian tìm hiểu, chị Nga đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua máy mới, nâng cấp lên dòng điện ba pha. Từ đó sản phẩm làm ra cũng chất lượng hơn. Về nguyên liệu, chị Nga thường thu mua nghệ sẻ của bà con trong xã, mặc dù nhỏ củ, nhưng lượng tinh bột nhiều hơn; nếu không đủ để sản xuất, thì mua ở các xã lân cận. Hiện nay, để đảm bảo nguồn nguyên liệu chị đã khuyến khích bà con trong xã trồng nghệ để cung cấp cho cơ sở sản xuất, vừa tăng thu nhập cho bà con vừa chủ động được nguồn nguyên liệu ở địa phương cho sản xuất số lượng nhiều. “Sản phẩm tinh bột nghệ không chỉ làm đẹp da, mà nếu uống đều đặn vào mỗi buổi sáng còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư, tăng cường sức đề kháng, cải thiện chức năng thận, chữa đau dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa do vậy được rất nhiều người sử dụng” – chị Nga nói.

Để tạo được sự tin tưởng và uy tín đối với người sử dụng, chị đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, sản phẩm không chỉ đẹp mà còn phải đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh. Các công đoạn để sản xuất ra tinh bột nghệ chị Nga đều sử dụng máy móc và trực tiếp kiểm tra từng công đoạn để cho ra sản phẩm hoàn thiện. Mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ hàng trăm kg tinh bột nghệ và tinh bột nghệ viên với mật ong rừng; sau khi trừ chi phí, cho lãi trên 15 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 4 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm tinh bột nghệ Tabithacủa chị Đặng Thị Tố Nga hiện nay được bán rộng rãi trên thị trường và được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch sang Mỹ. Với mong muốn có thể đưa sản phẩm tinh bột nghệ Tabithavươn xa hơn, chị Nga đã lập một trang Facebook mang tên “Tabitha Tố Nga”. Ngoài việc tự giao bán, chị tuyển nhiều cộng tác viên, ưu tiên các em sinh viên để có thêm thu nhập trang trải việc học. Chi Nga cho biết thêm, hiện nay Chị đang mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc, thay đổi bao bì bắt mắt hơn, đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia dự thi OCOP năm 2020 cấp tỉnh và xin giấy phép để xuất hàng sang Mỹ theo đường chính ngạch.

Ông Trần Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh (Thăng Bình) cho biết, địa phương đã bám sát vào Nghị quyết phát triển kinh tế vùng Tây của huyện để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã. “Đối cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Tabithacủa chị Đặng Thị Tố Nga, đây là sản phẩm địa phương xác định là mũi nhọn, hướng lên đạt chuẩn OCOP; vì vậy địa phương đã hỗ trợ cơ sở 120 triệu đồng để mua máy phục vụ cho sản xuất; ngoài ra, còn tạo điều kiện cho chị Nga thuê cơ sở trường Mẫu giáo Bình Lãnh phân hiệu thôn Hiền Lộc (đã bàn giao cho địa phương quản lý) để mở rộng quy mô sản xuất” – ông Trần Văn Hùng nói.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI