Nông dân Thăng Bình chuyển hướng nuôi bò lai

Thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Thăng Bình đã mạnh dạn đầu tư làm chuồng trại kiên cố và chuyển từ nuôi bò vàng sang nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Võ Thị Thủy đang chăm sóc cho đàn bò cái được nuôi nhốt.

Trước đây, bà Võ Thị Thủy (Bình Quý, Thăng Bình) nuôi bò cái sinh sản theo kiểu thả rông ra ngoài đồng, khi đến chu kỳ sinh sản bò tự thụ tinh với nhau. Vì vậy, tỷ lệ đậu thai không cao và vì thụ tinh với bò vàng nên khi bò con ra đời nhỏ con, nuôi lâu lớn, hiệu quả kinh tế thấp.

Đầu năm 2021, bà chuyển sang nuôi nhốt. Khi bò đến chu kỳ sinh sản bà Võ Thị Thủy báo cho thú y viên đến trực tiếp phối giống bò 3B, vừa chọn được giống của bò con khi sinh ra và tỷ lệ đậu thai cao hơn.

Bà Thủy cho biết, bò cái vàng có ưu điểm là tạp ăn, mén đẻ, kháng bệnh tốt; bò 3B thì có thể hình to, cao. Khi phối giống bò 3B với bò cái vàng thì bò con sinh ra to, khỏe hơn, nuôi nhanh lớn. “Với giá thị trường hiện nay, khi bò con lai 3B ra đời nuôi từ 10 đến 12 tháng là bán được khoảng 20 triệu đồng, cao hơn so với bò vàng” – bà Võ Thị Thủy nói.

Cũng chọn nuôi bò lai 3B, nhưng ông Nguyễn Ba (Bình Lãnh, Thăng Bình) lại chọn nuôi bò vỗ béo.Tháng 5.2020, sau khi đi thăm quan một số mô hình nuôi bò lai trên địa bàn huyện Thăng Bình, ông Ba về đầu tư hơn 300 triệu đồng làm chuồng trại kiên cố và mua 10 bò con 3B về nuôi vỗ béo.

 

Nuôi bò 3B đang đem lại thu nhập cho người chăn nuôi.

Ông Ba cho biết, nuôi bò lai 3B vỗ béo cho hiệu quả kinh tế cao và khỏe hơn làm ruộng nhiều. “Mỗi lứa như vậy tôi nuôi 10 con, mỗi con khi mua về có giá giao động từ 20 đến 25 triệu đồng, nuôi vỗ béo từ 8 đến 10 tháng là bán từ 40 đến 45 triệu đồng/con, trừ chi phí mỗi con lãi 1 triệu đồng/tháng” – ông Nguyễn Ba phấn khởi nói.

Ông Nguyễn Xuân Bảy – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, những năm gần đây nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện đã chuyển từ chăn nuôi bò vàng sang nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Để giúp người dân chuyển sang nuôi bò lai, thời gian qua, Trung tâmKỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đã hỗ trợ 4.000 liều tinh bò 3B, Brahmancho người chăn nuôi; cấp3 bình chứa ni tơ công tác 3,15 lítcho các xã Bình Nguyên, Bình Chánh, Bình Phục; 1.500 lít ni tơ lỏng và 10 súng bắn tinh cho cán bộ dẫn tinh viên để thực hiện việc phối giống.

“Qua phối giống, tỷ lệ thụ thai đạt từ 70% - 75%, những bò lai được phối tinh bò 3B, Brahman trên nền nái F1, F2 có trọng lượng sơ sinh 25kg - 30kg/con, nuôi 1 năm trọng lượng đạt 350 - 400kg/con, nhanh lớn hơn so với nuôi bò vàng và giá thành khi bán ra thị trường cũng cao hơn” - ông Nguyễn Xuân Bảy nói.

Hiện nay, huyện Thăng Bình có tổng đàn bò là 16.740 con, trong đó bò lai chiếm trên 80% tổng đàn. Khi người dân chuyển sang nuôi bò lai vừa góp phần nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò vừa giúp người nông dân tiếp cận với các giống bò siêu thịt và biết phối trộn, chế biến thức ăn để cân đối chất dinh dưỡng, giúp bò mau lớn. Cạnh đó, người dân còn thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt. Đây là nền tảng cho việc thực hiện chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bò thịt.

MINH TÂN - HỒNG NĂM

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI