Nông dân Thăng Bình vượt khó chăm sóc lúa đông xuân

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kéo dài (từ ngày 26 đến ngày 29.12.2021) gây mưa lớn, làm cho 2.636 ha lúa đông xuân 2021 – 2022 trên địa bàn huyện Thăng Bình bị ngập, phải sạ lại. Những ngày này, nông dân huyện Thăng Bình tích cực ra đồng chăm sóc lúa với mong muốn mùa màng được bội thu.

 

Nông dân ra đồng tỉa, dặm lại những diện tích sạ lại.

Canh tác hơn 2 ha lúa trên cánh đồng ở tổ 6, thôn An Thành 1, xã Bình An, gia đình ông Võ Thế Toàn có 2 sào lúa phải sạ lại. Ông Toàn cho biết, 2 sào lúa này ông sạ sớm, vừa xuống giống xong là trời mưa lớn gây ngập, lúa không phát triển được nên sạ lại. “Do sạ lại sau nên chừ mới tỉa, dặm ri đây, chứ mấy sào kia chừ lúa phát triển tốt rồi, đang đẻ nhánh chuẩn bị ra đòng” – ông Võ Thế Toàn cho biết thêm.

Cũng trên cánh đồng này, gia đình ông Võ Hùng có 5 sào phải sạ lại. Những ngày này, tranh thủ lúc rãnh rổi ông Hùng ra thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu bệnh, diệt trừ. Ông Hùng cho biết, lúa ngó xanh tốt ri đây chứ hể có sâu bệnh gây hại là một hai ngày sau lúa vàng hoe liền, nên phải theo dõi thường xuyên, để phát hiện sâu bệnh sớm phòng trừ, còn không là lúa giảm năng suất.

Ông Trần Văn Phường – Phó Chủ tịch UBND xã Bình An (Thăng Bình) cho biết, vụ đông xuân này, địa phương sản xuất 683 lúa, đầu vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai, đặc biệt là đợt mưa lớn kéo dài vào cuối tháng 12.2021 làm cho là 365 ha lúa xuống giống trà 1 bị ngập, phải sạ lại. “Sau khi bà con nông dân sạ lại thì địa phương cử cán bộ nông nghiệp phối hợp với cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện xuống kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc lúa, kết hợp với phòng trừ sâu bệnh nên hiện nay lúa đang phát triển tốt, chuẩn bị làm đòng” – ông Trần Văn Phường nói.

Vụđông xuân 2021 – 2022, nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình xuống giống hơn8.500halúa;trong đó, cóhơn7.800 halúa chính vụvàhơn 700 halúa nước trời.Ông Hồ Ngọc Quảng – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, đầu vụ sản xuất đông xuân nông dân gặp nhiều khó khăn do bất lợi của thời tiết gây mưa lớn, làm ngập nhiều vùng, nhất là ở các vùng trũng như xã Bình An, Bình Trung... dẫn đến có nhiều diện tích phải sạ lại, có vùng nông dân phải sạ lại lần ba. Vượt qua những khó khăn trên, nông dân đã tích cực chăm sóc lúa, dặm tỉa và bón phân đợt 2, hiện nay cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Hồ Ngọc Quảng cho biết thêm, hiện nay trên một số chân ruộng sâu cuốn lá nhỏ gối lứa, đạo ôn lá, bọ xít đen, chuột... gây hại ở một số vùng, với mật độ thấp. Dự báo thời gian tới sâu đục thân, bệnh đạo ôn... sẽ gây hại lúa ở một số cánh đồng,Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện sẽ phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường kiểm tra đồng ruộng và sẽ có những hướng dẫn cụ thể, giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. “Trong điều kiện giá cả phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao như hiện nay, để giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, Trung tâm đã có thông báo hướng dẫn đến nông dân căn cứ vào từng cánh đồng, từng loại giống và nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa để bón phân bổ sung, không nhất thiết phải bón phân đúng theo chu kỳ sinh trưởng” – ông Hồ Ngọc Quảng khuyến cáo.

MINH TÂN - ĐOÀN NHÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI