Hướng đến sản phẩm nông nghiệp sạch

Vốn là giám đốc 1 công ty xây dựng, được đi nhiều nơi nên anh Phan Đức Tư, ở thôn 1, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã chịu khó tìm tòi học hỏi và mang những loại cây mới, con vật nuôi mới về áp dụng cho trang trại của gia đình. Bước đầu dẫu còn nhiều khó khăn nhưng đã phần nào hứa hẹn và ấp ủ hướng phát triển mới cho trang trại ở vùng cát Bình Dương.
     Tận mắt chứng kiến mảnh đất gần 1ha măng tây ở trang trại của anh Tư, ít ai nghĩ, 6 tháng trước, đây là mảnh đất khá cằn cỗi chỉ trồng được cây keo lá tràm. Trong một lần tình cờ đi công tác ở Hà Nội, gặp một người bạn chuyên cung cấp giống cây măng tây. Anh Tư đã không ngại ngần mua giống, học hỏi kinh nghiệm để về khai hoang, cải tạo đất ở trang trại gia đình và hình thành nên diện tích măng tây như hôm nay. “Cây măng tây có đặc tính là không thể chịu ngập nên tương đối thích hợp với đất cát. Trồng trên những nổng cát như ở đây thì mùa mưa không lo ngập lụt, còn mùa nắng, để bảo đảm nước tưới thì tôi đầu tư hệ thống tưới phun. Sau 6 tháng trồng thử nghiệm, cây măng tây sinh trưởng và phát triển khá tốt, những lứa măng đầu tiên, mỗi ngày thu được khoảng 10kg, với giá bán ra thị trường từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg. Với đà này, thời gian đến mỗi ngày chắc sẽ thu được tầm 30kg. Đấy đã là thành công ngoài mong đợi rồi.”- Anh Tư chia sẻ.
      Cùng với đó, anh thuê thêm lao động để chăm sóc, thu nhập mỗi ngày từ 180 nghìn đến 200 nghìn, góp phần tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Duy Trung làm tại trang trại của anh Tư cho hay, ở độ tuổi 60 như ông, công việc thợ nề quá nặng nhọc, ông không đủ sức, nhưng, công việc ở trang trại anh Tư, mà cụ thể là chăm sóc vườn măng tây này, tương đối khỏe mà thu nhập cũng cao.
Ảnh: Mô hình của anh Tư là mô hình trồng măng tây đầu tiên của huyện Thăng Bình, bước đầu mang lại kết quả khả quan.
 
      Khởi phát hơn 1 năm nay, trang trại của anh Tư hiện có diện tích khoảng 8ha, ngoài măng tây, anh dành 4ha mặt nước nuôi cá lóc, nuôi 400 con vịt biển, 1 nghìn con kỳ nhông, gần 100 con heo, trong đó có heo mọi mang về từ Đắc Lăk, 1 nghìn giống dừa xiêm của Bến Tre. Đặc biệt, anh dành riêng 1 ha để trồng khoai lang và bắp để cung cấp thức ăn cho vật nuôi. Không ngại học hỏi, đầu tư về giống và cả công lao động để khai hoang mảnh đất cát trắng vốn cằn cõi, mang những giống cây mới và những con vật nuôi về thử nghiệm ở quê nhà. Với anh, đó không phải là sự mạo hiểm mà là những thử nghiệm có cơ sở. “Qua tìm hiểu thì tôi biết, những cây và con vật nuôi ấy thích hợp với khí hậu và đất đai ở quê, nên tôi mong nếu mình đã trồng và nuôi thành công thì sẽ góp phần mở ra hướng canh tác mới cho bà con xã nhà.”- anh Tư cho hay. Theo anh Nguyễn Thanh Vinh- Phó chủ tịch UBND xã Bình Dương, trang trại của anh Tư là trang trại tổng hợp quy mô nhất của địa phương, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Từ đó, có thể tính đến việc nhân rộng mô hình và địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ. Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai, anh Tư cho biết: “Tôi sẽ kết nối với các siêu thị mini ở Đà Nẵng, những cửa hàng thực phẩm sạch để cung cấp thực phẩm an toàn từ vườn đến nhà của người tiêu dùng. Và tôi cũng sẽ lắp đặt camera để khách hàng ở khắp mọi nơi có thể quan sát được quá trình nuôi, trồng của chúng tôi.”
      Trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là nổi lo của người tiêu dùng thì tâm huyết của anh Tư là điều rất đáng quý, nếu thành công, sẽ tạo động lực cho nông dân vùng cát học tập, nhân rộng./.
 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI