Thăng Bình chủ động ứng phó với mưa lụt

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Thăng Bình cũng đã bị thiệt hại nặng nề do mưa lụt kéo dài. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại kinh tế trên địa bàn huyện lên đến 1 tỷ đồng. Hiện nay, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình để có phương án chỉ đạo kịp thời, tránh thiệt hại về người và tài sản.
     Ngay trong sáng ngày 6.11.2017, Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình đã có buổi kiểm tra về tình hình mưa lũ, cũng như công tác chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các xã vùng Đông của huyện. 
      Theo báo cáo của xã Bình Dương tính đến thời điểm này, địa phương đã có 1 người chết, đó là em Võ Văn Q, 14 tuổi. Nguyên nhân được xác định là trong lúc đi bắt cá cùng các bạn vào sáng 6.11, không may trượt chân đã bị nước cuốn trôi, thi thể của em được tìm thấy vào lúc 9h30 phút cùng ngày. Cạnh đó, tại khu vực tổ 14 thôn 3 đã bị cô lập hoàn toàn, hiện lực lượng chức năng đã sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Ngoài ra, một tàu cá khoảng 600 triệu đồng của ông Lê Bình ở thôn 6 đã bị chìm trên sông Trường Giang.
      Trong khi đó, tại xã Bình Đào, đã có gần 1.230 nhà dân đã bị ngập hoàn toàn do mưa lũ, chiếm 60%. 12 ngôi nhà bị tốc mái, khu vực thôn 1 và thôn 2 đã bị cô lập. Hiện địa phương đang túc trực 24/24 để nắm bắt tình hình mưa lũ, chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các lực lượng như công an, xã đội, thanh niên xung kích trên địa bàn đã đến các vùng xung yếu, hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm. 
Khẩn trương sơ tán nhân dân đến nơi an toàn
 
      Còn tại xã Bình Hải, hiện lực lượng dân quân của xã đang gấp rút phát quang các cây cối bị đỗ ngã để lưu thông các tuyến đường đi lại, những vùng bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã tiến hành chốt chặn. Ông Hồ Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, hiện trên địa bàn có 7 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn, có 272 nhà bị ngập sâu dưới 1 mét. Trong khi đó, các tuyến đường ĐH trên địa bàn hoàn toàn không thể đi lại được. Nhiệm vụ chính lúc này là việc di dời người dân đến nơi an toàn. 
      Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, mưa lớn, kèm với mực nước sông Trường Giang dâng cao đã gây thiệt hại gần 200 ha rau màu các loại của bà con nông dân. 46 ha lúa chưa thu hoạch đã bị bèo lục bình bao phủ. Hiện địa phương đã di dời 130 hộ dân đến nơi an toàn. 
      Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy yêu cầu các địa phương nhanh chóng vận động nhân dân về nơi trú ẩn an toàn. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, cử lực lượng trực nghiêm túc, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ cho việc trao đổi thông tin liên lạc. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường, vận động tuyên truyền người dân không sử dụng các thiết bị điện để đánh bắt cá, các sinh vật khác trong quá trình nước lũ lên, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản./. 
      “Tập trung, nhanh chóng di dời nhân dân, nhất là người già và trẻ nhỏ ra khỏi vùng bị ngập lụt, vùng bị cô lập nguy hiểm” - đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Hồng Quốc Cường đối với các địa phương có các khu dân cư bị cô lập do tình hình lụt bão vào sáng ngày 6/11. 
 
Chủ tịch UBND huyện Hồng Quốc Cường trực tiếp đến thăm hỏi và động viên bà con nhân dân Bình Nam.
      Tại xã Bình Nam, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu địa phương thường xuyên túc trực để ứng cứu nhân dân khi có tình huống bất ngờ xảy ra, các hội đoàn thể tập trung giúp di dời người dân cũng như tài sản của nhân dân đến vùng an toàn. 
 
Lực lượng dân quân giúp dân thu hoạch lúa
      Theo báo cáo của địa phương, hiện nay, toàn xã Bình Nam có 4 thôn với tổng cộng 115 nhà ở bị ngập, 130 ha lúa hè thu muộn và nhiều hoa màu của bà con đã bị ngập sâu trong nước, không có thiệt hại về người.
 
      * Sáng ngày 6.11, các ông Trần Văn Thức - UVBTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; Võ Huấn - UVBTV Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy; Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện có buổi kiểm tra tình hình phòng chống thiên tai tại các các xã Bình Trung, Bình An, Bình Quế, Bình Phú và Bình Trị.
 
Ông Trần Văn Thức- Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện và ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện đang kiểm tra tình hình mưa lụt.
      Tại xã Bình Quế, ông Nguyễn Thái Hậu - Chủ tịch UBND xã cho biết: trong hai ngày 4 và 5.11, trên địa bàn xã có mưa lớn, nước vào đến sân nhà của 5 hộ dân dọc theo đường cao tốc ở thôn Bình Hội; ngoài ra, thôn Bình Hội có 1 cây ngã đè lên đường dây điện hạ thế, địa phương đã chỉ đạo việc cắt cây ngã đổ đảm bảo cho người khi tham gia giao thông, đến nay các tuyến đường có cây ngã đổ đều thông tuyến. Tại xã Bình Trị, có 25 ha sắn bị ngập lụt, hiện nay bà con đang thu hoạch. Cũng trong sáng ngày 6.11, công an xã Bình Trị cũng đã bắt 3 ghe đánh bắt cá trên hồ Đông Tiển đưa về UBND xã để xử lý.
 
Hồ Đông Tiển bị thấm nước qua thân đập ở mức cao hơn bình thường
      Kiểm tra tại 3 hồ chức nước trên địa bàn huyện, hiện nay nước ở 3 hồ đã qua tràn, các mái đập đảm bảo an toàn, tuy nhiên tại hồ Đông Tiển lượng nước thấm qua thân đập lớn hơn bình thường, Chi nhánh thủy lợi huyện đang theo dõi để có biện pháp xử lý. 
      Tại các xã kiểm tra ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện yêu cầu các địa phương cử lực lượng trực, chốt chặn các tuyến đường chính bị ngập không cho dân qua lại và tiếp tục hỗ trợ bà con nhân dân di dời lương thực, gia súc, gia cầm lên những nơi cao hơn đề phòng chiều tối nay hồ Phú Ninh sẽ xả lũ. 
      Mưa lụt kéo dài nhiều ngày liền đã làm cho các loại cây hoa màu phục vụ dịp Tết Nguyên đán của bà con xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) ngập nặng và hư hại. Người nông dân đang lo đến một cái Tết thất thu.
      Đã 3 ngày trôi qua, hơn 2 sào kiệu của gia đình ông Trần Ngọc Vinh (thôn Ngọc Sơn Tây) ngập chìm trong nước. Toàn bộ số kiệu bị nước nhấn chìm đang thối rửa, hư hỏng nặng. Số tiền đầu tư gần 10 triệu đồng coi như mất toi. Điều đáng nói, mỗi năm gia đình ông Vinh chỉ trông chờ vào mỗi dịp Tết để bán kiệu. Vậy mà nước lụt mấy ngày qua đã nhấn chìm hết bao hi vọng của gia đình. Ông Vinh cho biết , cây kiệu của gia đình đã trồng được 2 tháng, chỉ còn 2 tháng nữa là thu hoạch bán dịp tết. Thế nhưng bây giờ mất trắng.
 
Kiệu của gia đình ông Trần Ngọc Vinh bị ngâm nước đang thối rửa, hư hỏng nặng.
      Cùng chung tâm trạng với ông Vinh, gia đình ông Đặng Văn Vinh (thôn Ngọc Sơn Tây) cũng bị nước ngâm hết 2 sào nén chuẩn bị cho dịp Tết đến. Trước đó, đầu vụ, gia đình ông Vinh đã chọn giống nén tốt để trồng. Trong quá trình trồng, ông cũng đã chăm bón kỹ để hy vọng có vụ Tết kha khá. Vậy mà nước lụt đã nhấn chìm hết. Ông Đặng Văn Vinh cho hay, chưa bao giờ thấy nước lên nhanh như vậy. Mấy năm trước cho dù có mưa lớn, chỉ cần vài tiếng thì nước đã rút. Đất ở đây là đất cát nên nước rút nhanh. Vậy mà năm nay, mưa ngập hết, dân ở đây coi như thất thu. 
 
Nông dân Bình Phục đang cố gắng chống dựng lại cây khoai từ bị ngập nước
      Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho hay, toàn xã Bình Phục có gần 200 ha diện tích trồng cây kiệu, cây nén 70 ha, và 20 ha trồng cây khoai. Toàn bộ các loại cây này, bà con nông dân trồng để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Tuy nhiên, mưa lụt mấy ngày vừa qua đã khiến cho 70% diện tích cây khoai từ mất trắng, 15 ha cây nén, cây kiệu bị ngập sâu trong nước và có nguy cơ thối rửa. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tiếp tục thống kê số liệu. Do các loại cây này đều phục vụ dịp tết nhưng bây giờ ảnh hưởng bởi mưa lụt thì cũng ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của bà con nhân dân.
      Theo báo cáo nhanh từ Ban phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thăng Bình, tính đến chiều ngày 6.11, toàn huyện có 1 chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương. Có 5 nhà bị tốc mái và 12 nhà bị thiệt hại do lốc cục bộ, 500 ha rau màu bị hư hỏng, hơn 200ha lúa hè thu sạ muộn bị ngập hoàn toàn tại các xã Bình Sa, Bình Hải, 1 tàu bị chìm tại Bình Dương vẫn chưa trục vớt. Các tuyến kênh, đập bị bồi lấp và sạt bờ bao. Các hồ Cao Ngạn, Phước Hà và Phước Hà nước dâng cao, nước tràn qua báo động II. Các tuyến giao thông nông thôn bị sạt lỡ khoảng 30 km. Tổng thiệt hại kinh tế trên 1 tỷ đồng. 
 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI