Cơ sở gia công chế biến cá bò: Thiếu hụt nguồn lao động

Những cơ sở gia công chế biến cá bò ở xã Bình Minh (Thăng Bình) lâu nay thu hút một lượng lớn lao động địa phương, nhưng nay, nhiều cơ sở có nguy cơ đóng cửa do thiếu lao động.

Cơ sở gia công chế biến cá bò của chị Trần Thị Nở chỉ còn lại khoảng 20 lao động. Ảnh: BIÊN TÂN

Năm trước, vào thời điểm gần Tết âm lịch, cơ sở gia công chế biến cá bò của chị Trần Thị Nở (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) thu hút hơn 100 lao động nữ làm việc. Thế nhưng thời điểm hiện nay, cơ sở này chỉ có 20 lao động, chủ yếu người lớn tuổi. Nếu như các năm trước, mỗi ngày cơ sở gia công chế biến gần 2 tấn cá bò thì hiện nay chưa đầy 500kg. Chính vì thiếu hụt lao động nên bãi sân phơi cá trống huơ, nhiều trụ phơi đã hư hỏng không được sửa chữa. Theo chị Nở, mặc dù cơ sở đã tăng tiền công 1.000 đồng/kg cá bò để giữ chân người lao động, nhưng dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp Vinpearl đã thu hút hàng trăm lao động nữ ở địa phương vào làm việc. Bây giờ, cơ sở chỉ có khoảng 20 lao động, trong đó có đến một nửa là người lớn tuổi. Người lớn tuổi thì không thể gia công nhanh như người trẻ. Do vậy, sản lượng làm ra rất thấp, không đủ tiêu thụ. Chị Trần Thị Nở cho biết: “Gần Tết nguyên đán là thời điểm nhiều đơn đặt hàng, tuy nhiên người lao động làm việc tại cơ sở rất ít. Do đó, chúng tôi đang cố gắng duy trì bằng mọi cách. Nếu tình hình này kéo dài, cơ sở chúng tôi sẽ phải đóng cửa vào đầu năm đến”.

     Bà Nguyễn Thị Thập (70 tuổi, thôn Hà Bình, xã Bình Minh) đã 15 năm làm nghề gia công chế biến cá bò. Những năm trước, nếu cơ sở của chị Trần Thị Nở hết hàng thì bà Thập lại sang các cơ sở khác để làm gia công. Gắn bó lâu là vậy, nhưng bà lại tiếc rẻ bởi ngoài tuổi để tham gia làm việc tại các công trình ở địa phương, nên bà Thập chấp nhận theo nghề gia công chế biến cá bò đến hôm nay. “Làm ở công trình mỗi ngày 250.000 – 300.000 đồng, còn gia công cá bò chỉ kiếm được 70.000 đồng/ngày. Bây giờ người trẻ tuổi họ đi làm công nhân công trình hết cả rồi. Còn lại mấy người lớn tuổi như chúng tôi mới bám trụ cái nghề gia công chế biến cá bò này” - bà Thập nói.

Trước đây tại xã Bình Minh có 6 cơ sở gia công chế biến cá bò, mỗi cơ sở giải quyết hơn 100 lao động. Hầu hết đều có mặt tại Bình Minh từ rất sớm, có cơ sở đã hoạt động được 20 năm. Đến thời điểm hiện nay đã có 3 cơ sở đóng cửa do thiếu lao động, còn các cơ sở còn lại đang hoạt động cầm chừng, mỗi cơ sở chỉ có khoảng 20 lao động. Theo ông Mai Văn Triều - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh, các dự án lớn đang triển khai ở địa phương đã thu hút lao động với mức thu nhập trên 250.000 đồng/người/ngày, trong khi làm nghề gia công chế biến cá bò, nếu gia công nhanh thì mỗi người mới kiếm được 200.000 đồng/ngày. Do vậy, người lao động có sự so sánh. “Hiện nay, Khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl tiếp tục tuyển dụng thêm gần 1.000 lao động, trong đó lao động nữ độ tuổi từ 18 - 50 ở các vị trí như chăm sóc cây xanh, nhân viên buồng phòng, vệ sinh công cộng... Ngoài ra, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và được nhiều chế độ khác. Vì  vậy, lao động nữ ở địa phương đang trở thành công nhân của các công trình với mức thu nhập khá. Do đó, các cơ sở gia công chế biến cá bò trở nên thiếu hụt lượng lớn lao động” - ông Triều cho biết.

Giang Biên- Minh Tân

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI