Logo

Làng nghề mắm Cửa Khe nỗ lực hướng tới du lịch xanh

Chuyên mục: KINH TẾ
Lượt xem: 352

Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe vẫn đang “sống tốt, sống khỏe” nhờ những hướng đi đúng đắn, chú trọng vào chất lượng sản phẩm mà không chạy theo số lượng. Hiện nay, hợp tác xã làng nghề đang chuẩn bị xây dựng làng nghề là điểm đến du lịch xanh, du lịch bền vững trong thời gian tới, hướng đến năm du lịch quốc gia 2022.

 

Người dân làng nghề đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho ngày giỗ tổ nghề

Yếu tố tiên quyết cho du lịch xanh

Anh Võ Nguyên Tùng – Trưởng ban làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe cho biết: Để xây dựng làng nghề trở thành điểm đến du lịch xanh thì cần có những yếu tố tiên quyết, tạo thành “kiềng 3 chân” vững chãi cho những hoạt động dài lâu. Đầu tiên, chính quyền địa phương phải là người đi đầu, định hướng cho người dân hiểu về du lịch; thứ hai, cộng đồng dân cư là yếu tố quyết định, người dân phải hiểu rõ về du lịch thì mới có thể phát triển du lịch; và cuối cùng là hợp tác xã, doanh nghiệp tại địa phương, phải có những cam kết lâu dài đối với chính địa phương họ sinh ra, tạo được động lực để phát triển du lịch”- anh Tùng quả quyết.

Khai thác làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe làm du lịch, với hình thức “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”. Phát triển theo hướng này không chỉ kéo du khách hòa cuộc vào những trải nghiệm thực tế với người dân địa phương, mà còn làm thời gian lưu trú của du khách tăng lên, kéo theo dịch vụ mua sắm, ăn uống cũng tăng theo. Đặc biệt là mua sắm đặc sản của làng nghề, chính điều này giúp cho thương hiệu làng nghề được lan rộng hơn và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương thông qua dịch vụ phục vụ du lịch. Những nhịp cầu như thế sẽ giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, ngân sách địa phương cũng tăng theo.

Phát huy thế mạnh vốn có

Làng nghề Cửa Khe có lợi thế về giao thông, gần với khu du dịch Nam Hội An, đây sẽ là cơ hội để phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Tuy nhiên để có thể phát triển bền vững thì cần phải có sự kết hợp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và chính quyền địa phương. Doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề quan tâm đến việc kết hợp phát triển du lịch thì đây chính là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh sản phẩm đến với rộng rãi du khách. Chính vì vậy, chính quyền địa phương nên là cầu nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề với du khách.

Ông Đặng Văn Hùng – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, hiện nay, UBND xã cũng đang làm việc với các ban ngành đoàn thể, tập trung hỗ trợ làng nghề xây dựng du lịch xanh, đồng thời hưởng ứng năm Du lịch quốc gia 2022. Chính quyền địa phương cũng tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan sạch sẽ tại các khu vực xung quanh làng nghề. Địa phương đang làm công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy sản phẩm làng nghề nước mắm Cửa Khe. “Tuy nhiên để phát huy làng nghề trong tiến triển du lịch thương mại của địa phương, thì nhiều năm qua đến hiện nay, địa phương đã huy động các nhà đầu tư, mạnh thường quân, những người có kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng về phát huy tất cả thế mạnh của địa phương để thu hút, phát triển du lịch cộng đồng.”- ông Hùng cho biết thêm.

Hiện nay, làng nghề đang lên kế xây dựng các tour tuyến hướng dẫn du khách đến với làng nghề. Trải nghiệm du lịch tại đây, du khách sẽ hiểu hơn một phần nào đó về quy trình làm nước mắm truyền thống. Từ cách chọn cá và giải thích cho du khách hiểu vì sao làng nghề chỉ chọn cá cơm than ở tại biển Ngang ở khu vực đảo Cù Lao Chàm, và cách muối cá như thế nào. Tiếp theo đó là được trải nghiệm vào hoạt động của ngư dân làng chài, thưởng thức hải sản bản địa và sinh hoạt trên bãi biển. Làng chài cũng đang lên kế hoạch về việc tặng những món quà lưu niệm cho du khách kết thúc hành trình du lịch.

Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe đang dần chuyển mình, kết hợp cùng với việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp quảng bá rộng rãi hơn về thương hiệu làng nghề. Đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương.

XUÂN TIÊN - ĐOÀN NHÂN