HIỆU QUẢ TỪ LIÊN KẾT SẢN XUẤT GIỐNG

Thời điểm này, những diện tích lúa, nếp sản xuất vụ Đông- Xuân 2019- 2020 ở cuối kênh của xã Bình Giang mới tiến hành thu hoạch. Năm nay, nông dân nơi đây rất phấn khởi, không chỉ được mùa, được giá, mà giờ đây việc sản xuất nông nghiệp đối với họ không còn vất vả, tốn nhiều công sức như trước nhờ vào chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất trên địa bàn.

 

Công ty giống cây trồng Thái Bình thu mua lúa của người dân

Đã 70 tuổi nhưng lão nông Nguyễn Văn Cảnh, tổ 1, thôn Hiền Lương, xã Bình Giang vẫn sản xuất 0,5 ha lúa. Ông phấn khởi cho hay, chỉ ước tuổi còn trẻ, sức dài, vai rộng để có thể sản xuất thêm vài sào nữa. Bởi, chưa bao giờ, việc sản xuất lúa lại trở nên dễ dàng đến vậy, ít tốn công, tiết kiệm thời gian mà không lo đầu ra. “Từ ngày dồn điền đổi thửa đến nay, toàn bộ nhân dân phấn khởi, đưa giống về, cân giống lại, thu hoạch xong, không cần lo phơi. Bây giờ thâm canh là chính, không quảng canh. Không những vậy,  nước chảy thẳng vào ruộng, thu hoạch, vận chuyển khỏe, ít tốn công chứ trước đây thu hoạch xong bốc vác về đến nhà cả cây số, quá vất vả.”- ông Cảnh cho biết thêm.

Đã 2 năm, cánh đồng có diện tích 25ha ở thôn Bình Hòa và Hiền Lương thực hiện tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết với Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trước kia, 4 vụ mùa gần đây, nông dân đã có sự đồng bộ trong sản xuất. Cùng sử dụng chung một loại giống, cùng sạ theo đúng lịch thời vụ, thu hoạch cùng lúc; nhờ đó, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất thuận tiện hơn. Ông Nguyễn Đình Mức- Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ thủy nông Bình Giang 1 cho biết, tổ hợp tác hỗ trợ nông dân sức kéo, điều hành nước tưới và khâu thu hoạch, bà con chỉ việc gieo sạ, dặm tỉa, bón phân. Lúa thu hoạch xong có xe chở đến tận nhà, nông dân cũng không cần phải ra ruộng. Không những vậy, Công ty Giống cây trồng Thái Bình trực tiếp thu mua lúa tươi tại ruộng. “Đến bây giờ lợi nhuận so với bình thường tăng từ 20- 30%, vì giá giống do Công ty thu mua cũng tăng hơn. Bán ra là 8.300/kg thóc khô, tạo điều kiện lao động nông nghiệp chuyển sang ngành nghề khác để đem lại thu nhập cho nông dân, cải thiện đời sống”- ông Mức nói.

          Được mùa lại không lo đầu ra. Thực tế này đã chứng minh hiệu quả của mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất giống. Không còn lo sợ mất đất hay mạnh ai nấy làm, nông dân thôn Bình Hòa, thôn Hiền Lương (xã Bình Giang) ngày càng yên tâm sản xuất, quyết không bỏ đất, mặc dù gắn bó với nông nghiệp giờ quanh xóm đa số đều từ trung niên trở lên.

MINH TÂN- THU SƯƠNG

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI