Thực hiện chính sách đối với dân công hỏa tuyến ở Thăng Bình: Những vướng mắc cần tháo gỡ

Qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ - TTg ngày 14 tháng 10  năm 2015 của Chính phủ (Quyết định 49) về chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình đã bám sát chủ trương, đạt được những kết quả nhất định. Song, qua đánh giá, việc thực hiện Quyết định 49 ở một số địa phương vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Ban CHQS huyện Thăng Bình trao quyết định và chi trả chế độ chính sách theo Quyết định 49.

Kinh nghiệm của Bình Tú

Sau khi tiếp nhận chủ trương, UBND xã Bình Tú đã chỉ đạo Ban CHQS xã – cơ quan thường trực của Hội đồng chính sách phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thực hiện đúng quy trình ở tất cả các khâu, các bước. Địa phương tiến hành họp tổ tư vấn để xác định đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến qua các thời kỳ. Đồng thời thông báo thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn đối tượng kê khai, công khai niêm yết danh sách đối tượng chính sách.

Mặc dù thực hiện đúng các bước theo quy trình, nhưng trong quá trình thực hiện, xã Bình Tú vẫn không tránh khỏi những khó khăn. Ông Hồ Tấn Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú cho hay, qua khảo sát, địa phương dự kiến có khoảng 220 đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến, chủ yếu trong giai đoạn chống Pháp. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, số hồ sơ lên đến 376, điều này đồng nghĩa với việc vẫn có trường hợp cố tình làm hồ sơ kê khai để hưởng lợi từ chính sách. Trước thực trạng này, UBND xã đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đảm bảo việc xét duyệt được đảm bảo công khai, đúng đối tượng và tránh trường hợp sai sót. Ông Hồ Tấn Dũng cho biết thêm, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, xuống tận địa bàn khu dân cư để tiến hành xác minh. Đặc biệt, trên cơ sở 17 cụ tham gia dân công hỏa tuyến hiện còn sống, địa phương đã đưa một số thành viên vào hội đồng tư vấn để quá trình xác minh thông tin được minh bạch.

“Ngoài  việc phân định khoảng thời gian qua từng giai đoạn, địa phương còn tiến hành sàng lọc các trường hợp qua hồ sơ lưu trữ, nếu có vướng mắc hoặc các trường hợp này đã hưởng các chế độ chính sách trước sẽ tiến hành loại ra khỏi danh sách; qua sàng lọc đã có 179 hồ sơ không đúng đối tượng. Nhờ vậy, việc thực hiện Quyết định 49 tại địa phương diễn ra đảm bảo thời gian, đúng quy định. Đến nay, xã Bình Tú là địa phương duy nhất của huyện Thăng Bình thực hiện xong chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến; đã chi trả cho 179 trường hợp với số tiền gần 360 triệu đồng” - ông Hồ Tấn Dũng nói.

Nhận diện “điểm nghẽn”

Một trong những vấn đề mà hầu hết các địa phương đều gặp phải, đó là giấy tờ chứng minh tham gia dân công hỏa tuyến của các đối tượng không còn, nhân chứng trực tiếp qua các thời kỳ rất ít, hoặc họ còn sống nhưng không minh mẫn.  Ông Hồ Thành Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, đây chính là nguyên nhân làm trở ngại cho công tác xét duyệt tại địa phương, dẫn đến tình trạng hồ sơ tồn đọng. Qua khảo sát, toàn xã có khoảng 250 trường hợp tham gia dân công hỏa tuyến, chủ yếu là đối tượng tham gia trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, hiện các trường hợp đã từ trần hoặc đã già yếu gây khó khăn trong quá trình xét duyệt chế độ.

“Cán bộ trong ban chỉ đạo của xã đa số còn trẻ, thuộc thế hệ sau nên việc nắm bắt thông tin về thời gian, quá trình tham gia kháng chiến của các đối tượng rất khó khăn, việc giải quyết công việc không kịp thời đã làm gia tăng hồ sơ tồn đọng. Hiện tại, địa phương vẫn đang còn 67 hồ sơ tồn đọng” – ông Chung cho biết thêm.

Theo ông Trần Văn Thức – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định 49, toàn huyện có 3.452người được lập hồ sơ, trong đó đã có quyết định chi trả 2.124 trường hợp với số tiền gần 4,5 tỉ đồng. Những con số trên thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, các địa phương để tiến độ việc thực hiện được đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay, số hồ sơ tồn đọng ở cấp xã còn đến 641 hồ sơ. Chỉ ra những nguyên nhân về việc còn tồn đọng hồ sơ, ông Thức nhìn nhận, ngoài nguyên nhân khách quan thì năng lực chuyên môn của một số cán bộ thực hiện chính sách ở các xã, thị trấn chưa đảm bảo. Cụ thể, một số cán bộ còn chưa nắm chắc các văn bản quy định, việc xác định, lập hồ sơ thiếu chặt chẽ, dẫn đến sai sót về đối tượng.

“UBND huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao chất lượng việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ ở các cấp; trong đó chú trọng các địa phương có số lượng đối tượng lớn nhưng chưa được kê khai hồ sơ song song với công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm (nếu có) trong quá trình thực hiện. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quân sự với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội ở địa phương trong việc giải quyết chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế; giải quyết mai táng phí cho các đối tượng đã từ trần. Phấn đấu hoàn thành việc thực hiện Quyết định 49 trước ngày 31.11 năm nay” - ông Trần Văn Thức nói./.

VĂN TOÀN

 

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI