Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình và các xã ven biển, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, qua đó góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất.

Ảnh: Tàu câu mực của ngư dân Thăng Bình chuẩn bị ra khơi

Xây dựng xã điểm

Là một xã bãi ngang ven biển với trên 80% người dân sống bằng nghề đánh bắt và chế biến hải sản, nên ngay sau khi có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09 tháng 1 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Bình Minh (Thăng Bình) chỉ đạo cho Thường trực Mặt trận xã xây dựng kế hoạch phối hợp với ban Công an xã, các đoàn thể chính trị phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” kết hợp tuyên truyền về Luật biển Việt Nam, tình hình biển đảo Việt Nam ở các khu dân cư.

Đặc biệt, đầu năm 2016, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh phối hợp với UBND, Đồn Biên phòng Bình Minh tổ chức lễ phát động điểm thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” tại thôn Tân An. Trong buổi lễ phát động đã có 10 tổ dân cư với 564 hộ/2236 khẩu; 20 tổ tàu thuyền đánh bắt trên biển với 70 phương tiện/520 thuyền viên và 20 chủ tàu có công suất từ 300 cv trở lên ký cam kết tham gia phong trào. Bà Nguyễn Thị Hoa – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh cho biết: Sau khi ra mắt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Mặt trận xã Bình Minh đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Minh tổ chức các buổi tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo với nhiều nội dung như: Khái niệm, vị trí về đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông; Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982; chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;... Ngoài ra, UBND xã Bình Minh phối hợp với Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam mở lớp tập huấn về đảm bảo an toàn khi đánh bắt hải sản trên biển cho 600 ngư dân xã. Qua các buổi tuyên truyền đã giúp ngư dân trên địa bàn nâng cao nhận thức về chủ quyền biển, đảo, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước; qua đó có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Toàn xã Bình Minh hiện có 147 tàu, trong đó có 60 tàu đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Ngư dân Trần Văn Nhiều (thôn Tân An) chủ tàu vỏ gỗ có công suất 750cv hành nghề chụp mực khơi ở ngư trường Hoàng Sa số hiệu QNa 94779 cho biết: tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” do Mặt trận xã phát động đã tạo sự gắn kết các thành viên với nhau vừa giúp đỡ sản xuất, tìm kiếm ngư trường, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn trên biển. Cạnh đó, còn thường xuyên liên lạc với nhau để thông tin về thời tiết, cứu hộ cứu nạn và phân công đưa sản phẩm về đất liền, góp phần giảm chi phí nhiên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, khi có sự việc đột xuất xảy ra, các thuyền đều tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Các thành viên trong tổ tàu thuyền cũng luôn nỗ lực góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an ninh quốc phòng, bảo vệ biên giới biển đảo chủ quyền lãnh thổ quốc gia và mỗi một con tàu khi vươn khơi như một cột mốc sống về chủ quyền trên biển Đông. Cũng theo anh Trần Công Nhiều thì ngoài việc được Mặt trận xã, Đồn Biên phòng Bình Minh tuyên truyền các văn bản pháp luật về phát triển kinh tế, xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, biển đảo và hướng dẫn địa điểm đánh bắt cá an toàn, ngư dân được tuyên truyền về khai thác hải sản phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường biển… nên hiện nay, nhóm ngư dân của anh đã cam kết với cơ quan chức năng là không dùng xung điện, chất nổ, các chất hóa học để khai thác hủy diệt nguồn lợi hải sản.  

Cùng với thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xã Bình Minh và Bình Dương còn được LĐLĐ huyện Thăng Bình chọn để thành lập Nghiệp đoàn nghề cá. Từ khi thành lập Nghiệp đoàn đã góp phần rất lớn trong công tác tuyên truyền vận động ngư dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy để đoàn viên yên tâm vươn khơi bám biển. Đặc biệt, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 trái phép vào trong vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam. Nhân dân Bình Minh dưới sự chỉ đạo của Nghiệp đoàn nghề cá và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Minh, các đoàn thể xã hội đã vận động trên 500 ngư dân tham tham gia biểu tình phản đối, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, UBND xã Bình Minh cũng đã thành lập được 34 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 124 tổ thuyền tham gia. Qua đó, tạo sự gắn kết các thành viên với nhau vừa giúp đỡ tìm kiếm ngư trường và giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn trên biển.

Nhân rộng mô hình

Cùng với xã Bình Minh, huyện Thăng Bình có 3 xã ven biểnlà Bình Hải, Bình Nam và Bình Dương, với25km bờ biển nên sau khi phát động điểmphong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ở khu dân cư Tân An (Bình Minh) đến nay đã nhân rộng ở 3 xã ven biển còn lại. Ông Lê Văn Bảy – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho hay, Mặt trận xã đã xây dựng được các quy chế hoạt động cụ thể của các tổ tàu thuyền, và các tổ tàu thuyền thường xuyên hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển đảo. Riêng các phương tiện đánh bắt xa bờ, ngư dân trên các tàu thường xuyên thông báo tình hình an ninh, trật tự trên biển về địa phương. “Trong quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, Mặt trận xã Bình Dương và các tổ chức thành viên xây dựng nhiều mô hình, công trình ý nghĩa với nội dung tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo như: Hội CCB xã xây dựng mô hình “Cựu chiến binh tự quản về An ninh trật tự”,công trình mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa; Hội Người Cao tuổi và Hội Nông dân xã xây dựng mô hình “Toàn dân chung tay bảo vệ biển đảo”; ngoài ra, mặt trận và các đoàn thể phối hợp tổ chức nhiều buổi diễn văn nghệ tại các nhà văn hóa thôn với nội dung “Hướng về biên đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả và tạo sự nhận thức mạnh mẽ trong từng hộ nhân dân về trách nhiệm bảo vệ vùng biển đảo quê hương”- ông Lê Văn Bảy nói.

Với những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” do Mặt trận huyện Thăng Bình và 4 xã ven biển phát động thực hiện đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc để các ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển. Đồng thời góp phần giúp ngư dân nâng cao ý thức tương trợ lẫn nhau để khắc phục kịp thời các sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất trên biển và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Minh Tân                        

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI