Người thương binh nặng nợ với đồng đội

Rời quân ngũ trở về quê hương,  thương binh nặng Hoàng Minh Đặng ở xã Bình Sa vẫn đau đáu khi các đồng đội từng vào sinh ra tử nằm lại nơi chiến trường vẫn chưa được về nơi chôn nhau cắt rốn; ông Đặng đã kết nối giúp hàng chục gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ đưa về quê hương an táng.

 

Tham gia lực lượng du kích xã Bình Sa năm 1966 - khi mới mười sáu tuổi, 2 năm sau đó, chàng thanh niên Hoàng Minh Đặng với tố chất thông minh, nhanh nhẹn đã được Ban Chỉ huy tiểu đoàn 72  của Tỉnh đội Quảng Nam tin tưởng giao nhiệm vụ trinh sát. Với đặc tính công việc đòi hỏi độ chính xác, song không kém phần nguy hiểm, thế nhưng với tài ngụy trang sắc lẹm, ông Đặng đã không ít lần khiến bọn địch phải trả giá do lơ là. Tuy vậy, trong quá trình chiến đấu, nhất là trong giai đoạn từ năm 1969 – 1975, cựu chiến binh Hoàng Minh Đặng nhiều lần đứng trước ngã rẻ của sinh tử. Ông Đặng nhớ lại, tháng 10.1969, trong trận phục kích của quân ta đánh đồn Cây Sanh (Tam Kỳ), lúc này ông được giao nhiệm vụ “dọn đường” để đồng đội phục kích đánh địch. Tuy nhiên, một số đồng đội theo sau không may bị địch phát hiện, lúc này ông Đặng cũng đã bị địch bắn vào sau đầu dẫn đến bất tỉnh, rất may sau đó Đại đội 16 quân giải phóng đến hỗ trợ và giải vây. Đó là một trong vô số trường hợp mà ông Đặng phải đối mặt giữa giây phút sinh tử, điều này đã giúp người thương binh nặng này thêm trân quý những phút giây trên chiến trường, trong đó có cả những nghĩa tình của những người đồng đội đã cùng cam cộng khổ trong chiến đấu. Do vậy, với ông Đặng lúc này, còn sống đã là quá may mắn với ông, khi hòa bình lập lại, ông lại đau đáu nối lòng để tìm kiếm, quy tập phần mộ của đồng đội nằm lại trên chiến trường xưa.

Sau ngày giải phóng, ông Đặng được Tỉnh đội phân công làm Trưởng đoàn lập hồ sơ mộ chí của liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Quảng Nam. Với nhiệm vụ là lính trinh sát, kinh qua nhiều chiến trường ác liệt ở mọi vùng miền trong tỉnh, do đó không chỉ ở tiểu đoàn 72 mà nơi hy sinh của liệt sĩ ở các tiểu đoàn như 70, 74, 11 đều được ông Đặng lập hồ sơ mộ chí và giao chính xác cho từng địa phương. Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, ông cùng với một số anh em trong đoàn đã xác lập hàng nghìn sơ đồ mộ chí, qua đó giúp công tác quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ được nhanh chóng và chính xác hơn.

Gặp ông Đặng đầu năm 2019, ông rưng rưng xúc động khi kể với chúng tôi về trường hợp của đồng đội Trương Văn Hùng, quê ở Bình Thuận, hy sinh vào ngày 21.3.1975 trong trận đánh giải phóng Thăng Bình và được quy tập hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Sa. Nhưng sau khi tách tỉnh, hồ sơ bị thất lạc, vì thế không có giấy báo tử nên ở quê nhà gia đình nhận được thông tin ông Hùng đã tham gia chiêu hồi. Ông Đặng nhiều lần tìm cách liên lạc nhưng không được vì gia đình của ông Hùng đã chuyển đến Kiên Giang sinh sống. Mất một thời gian khá dài và phải qua nhiều người mới có thể trực tiếp liên lạc với gia đình liệt sĩ Trương Văn Hùng.

Khi biết được oan sai trên, ông Đặng đã cùng đồng đội còn sống trong Tiểu đoàn Bộ binh 72 làm các thủ tục rà soát, xác nhận và đề nghị lên các cấp để “giải oan” cho người đồng đội năm xưa. Niềm vui trọn vẹn khi 27.7.2017, người đồng đội cùng đơn vị của ông được trở về quê hương và được truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Hằng ngày, ông Đặng vẫn luôn tra cứu hồ sơ của các đồng đội cũ

Gợi lại câu chuyện của những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Đặng kể cho tôi nghe về những giây phút cận kề cái chết. Sát cánh cùng đồng đội trong từng trận đánh và chứng kiến những giây phút sinh tử, tận mắt nhìn thấy đồng đội ngã xuống, nhiều lần tự tay chôn cất và cắm bia trên từng phần mộ, ông Đặng cùng đồng đội đã vẽ lại sơ đồ địa chính các mộ phần. Để đến hôm nay, đó lại là những bản vẽ đáng giá trong hành trình giúp thân nhân tìm lại liệt sĩ đưa về quê nhà an táng.

Ông Đặng tự nghĩ, ông may mắn hơn các đồng đội khác, được trở về quê hương, được đoàn tụ cùng gia đình thì ít ra ông phải làm được điều gì đó cho những người đồng đội đã khuất. Và vì thế, ông lặn lội trên các cung đường xưa, nhớ tên từng đồng chí và tích cực đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm kiếm thân nhân liệt sĩ. Đồng thời với đó, ông kết nối với các đồng đội còn sống ở các địa phương để trực tiếp tìm kiếm thông tin về thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh. Có trường hợp gia đình khó khăn, ông vận động, kêu gọi sự đóng góp để tạo điều kiện cho gia đình đưa đồng đội về lại quê hương.

Máy xẻ gỗ được cựu chiến binh Hoàng Minh Đặng đầu tư gần 10 năm nay.

Năm nay sắp bước sang tuổi 70, nhưng ít ai biết được ông Đặng vẫn tiếp tục phát triển kinh tế. Sau ngày giải phóng, trở về quê nhà, từ số vốn vay ít ỏi ban đầu ông đầu tư mua máy xay xát, rồi từ đó, tích cóp và mở rộng, đầu tư mua máy ép dầu, máy cưa, máy xẻ gỗ để mở xưởng mộc. Sức khỏe không còn tốt như trước nên ông thuê khoảng 10 nhân công để sản xuất, kinh doanh, còn ông cùng vợ lo việc chăn nuôi.

Cựu chiến binh Hoàng Minh Đặng tâm sự, phát triển kinh tế, không chỉ chăm lo cho gia đình mà còn có điều kiện để ông thực hiện tâm huyết của mình là tìm thân nhân cho đồng đội không may ngã xuống. Và, niềm hạnh phúc được nhân lên bội phần khi ông đã hoàn thành tâm nguyện cho bản thân và gia đình liệt sĩ thoả lòng mong mỏi bấy lâu nay./. 

VĂN TOÀN

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI