Tha thiết được đến trường của những đứa trẻ cơ cực

Có một gia đình ở thôn Bàu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình với 5 nhân khẩu, nhiều năm qua, chen chúc nhau trong căn nhà chưa đầy 30m2 ọp ẹp, dột nát. Không những nghèo, họ còn bị bệnh tật đeo bám khi ba cha con đều mang trong mình dị tật bẩm sinh ở mắt, còn người vợ thì bị đau khớp với dáng đi khập khiễng. Thế nhưng, không vì nghèo mà bỏ học, cả 3 đứa trẻ đều tha thiết được đến trường với mong muốn thoát nghèo.

Bình phải cúi sát mỗi khi học để có thể nhìn được mặt chữ.

Kể từ khi sinh ra, em Phan Văn Bình, thôn Bàu Bính, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã mang trong mình dị tật bẩm sinh ở mắt dẫn đến thị lực rất kém. Em hiện đang là học sinh lớp 10/3, trường THPT Nguyễn Thái Bình. Mặc dù được ưu tiên ngồi ở bàn đầu, thế nhưng, Bình vẫn không thấy được những gì thầy cô viết trên bảng, ngay cả hình ảnh được trình chiếu ở ti vi cũng chỉ thấy mờ mờ. Những giờ tự học ở nhà, em phải cúi sát vào cuốn sách để nhìn từng chữ một. Thị lực kém nên việc tiếp thu của em cũng chậm hơn các bạn đồng trang lứa rất nhiều. Bình cho biết, thầy cô rất tạo điều kiện cho em trong lúc học cũng như thi, em chủ yếu thi bằng hình thức trắc nghiệm. Từ nhà đến trường, phải mất 45 phút đạp xe, thế nhưng, cậu học trò này vẫn ngày ngày chậm rãi trên chiếc xe đạp đã cũ để theo đuổi con chữ với mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT thì tiếp tục học nghề. “Em chưa bao giờ tiếp xúc với cây đàn nhưng xem trên tivi hay mỗi lần đi đám cưới, em thấy mọi người đánh đàn em rất thích. Thế nên, từ lâu rồi em đã thích được học đàn và mong muốn sau này trở thành một nhạc công để kiếm ra tiền phụ giúp ba má nuôi các em.”- Bình cho biết.

Đại diện Hội Khuyến học huyện Thăng Bình tặng giấy khen cho em Bình vì những cố gắng vươn lên trong học tập.

Dưới Bình còn có 2 em nhỏ, một em gái đang học lớp 4 và một em trai học lớp 2. Trong ngôi nhà chưa đầy 30m2, được xây dựng từ những năm 90 từ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ, vỏn vẹn chỉ có một cái bàn để 3 anh em Bình thay nhau học bài.  Ông Phan Văn Trinh, sinh năm 1965, cha của Bình cho hay, biết ngôi nhà đã quá xuống cấp nhưng gia đình không đủ khả năng để sửa chữa. Bởi bản thân ông bị dị tật ở mắt, sinh hoạt ăn uống hằng ngày còn khó khăn nên cũng chẳng thể làm gì để kiếm ra tiền. Chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào vợ là bà Huỳnh Thị Hà. Không có công việc ổn định, cứ ai kêu gì làm nấy, khi thì hái đậu, khi thì tuốt lúa, nhổ cỏ, ai cần gì bà Hà đều nhận làm để kiếm tiền, mặc dù, chính bà cũng bị bệnh khớp hành hạ nhiều năm nay. Với thu nhập mỗi ngày chỉ từ 150 -170 nghìn đồng, ngay cả việc ăn uống của gia đình cũng phải dè sẻn. Thành ra, việc sửa nhà mãi chỉ là mong muốn. “Trời nắng thì ra ngoài bờ, ngoài bụi cây cho mát, còn trời mưa thì đi lên đi xuống, đi đâu cũng đụng phải nước mưa dột. Chứ nhà nghèo cũng không có tiền để sửa.”- ông Trinh cho biết thêm.

Thiếu thốn về kinh tế, bệnh tật thì bủa vây thế nhưng vợ chồng ông Trinh nhất quyết động viên cả 3 con đi học. Ông cười khổ: “Các con mắt nhìn không rõ, không biết lên trường có học được gì không, hay chỉ ngồi cho vui. Nhưng, phải đi học. Đời cha khổ, thì phải củng cố đời con.” Và ngày ngày, người dân nơi đây vẫn quen với hình ảnh các con ông Trinh, đứa lớn đèo đứa nhỏ cùng đến trường./.

          Thu Sương

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI