Sẵn sàng cho lễ hội Cộ Bà Chợ Được

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 và 11 tháng giêng âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lai đổ về cùng với nhân dân của xã Bình Triều, để cùng tham gia vào lễ hội Cộ Bà Chợ Được. Theo Ban tổ chức, năm nay, cùng với hoạt động Rước Cộ- điểm nhấn của lễ hội, hay các trò chơi mang đậm nét  truyền thống văn hóa dân gian, thì lễ khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa cấp Tỉnh Lăng Bà chợ Được, và đón bằng công nhận xã Bình Triều đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2018 cũng sẽ được diễn ra. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho ngày khai hội được đặc biệt quan tâm và đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Những ngày này, nhiều nghệ nhân ở làng Phước Ấm xã Bình Triều, khẩn trương làm những bàn cộ để chuẩn bị cho Lễ rước cộ bà Chợ Được, sẽ khai hội vào ngày mồng 10 tháng Giêng. Đây là những công đoạn cuối cùng trong bàn cộ Lạc Long Quân và Âu Cơ được dân làng tổ 16 khởi công trước Tết Nguyên đán.  Anh Nguyễn Văn Thái, tổ 16 thôn Phước Ấm, xã Bình Triều cho biết năm nay, tổ của anh đang chuẩn bị một bàn cộ với ý tưởng rất mới. Mặc dù rất tốn công và kinh phí nhưng mọi người rất quyết tâm để tạo ra một bàn cộ đẹp. “Mặc dù biết làm là rất tốn công, nhưng anh em vẫn quyết tâm làm để cho người xem cảm thấy mới lạ và hấp dẫn. Đối với bàn cộ của tổ 16 thì mua vật liệu tầm 20 mươi triệu nhưng mà công thì không tính, anh em rãnh giờ mô thì tới làm giờ đó và quyết tâm làm cho hoàn thành kịp lễ”, anh Thái cho biết.

Các nghệ nhân đang khẩn trương hoàn thành bàn cộ

Theo anh Phạm Hồng Lâm, tổ 15, thôn Phước Ấm thì việc tham gia làm cộ là thể hiện tình cảm và truyền thống quê hương, qua việc làm cộ còn góp phần quảng bá quê hương của mình. “Nếu mà anh em cảm thấy không kịp thì làm tối, anh em tới đây thì ai biết chi làm nấy, ví dụ như người nào khéo tay thì trang trí, người nào biết cơ khí thì làm cơ khí, nói chung là công việc rất là nhiều, giờ chừ mình làm ra để quảng bá quê hương của mình, nối tiếp truyền thống của ông cha mình”.

Việc trang trí bàn cọ đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao.

Điểm nhấn của Lễ hội, đó chính là Lễ rước Cộ diễn ra vào tối 11 tháng giêng. Lễ rước cộ đã được xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, song cứ 3 năm một lần, người dân mới tổ chức lễ hội quy mô lớn. Theo Ban tổ chức lễ hội, dù tổ chức lễ hội lớn hay nhỏ thì phần lễ vẫn trang nghiêm. “Mỗi người một công việc, chuẩn bị cho miết tới qua tết mùng 4 là bắt đầu là ráp vào, công việc của ai là người nấy làm, mà làm cho nó trọn vẹn để đưa cái nền văn hóa tâm linh mà nó mang tính chất là văn hóa  phi vật thể cấp quốc gia, nên mọi người dân làng đều rất ý thức, trách nhiệm, ai cũng muốn chung tay góp sức”, ông Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Ban trị sự Lăng Bà Chợ Được, xã Bình Triều cho biết.

Theo ông Nguyễn Ba – Chủ tịch UBND xã Bình Triều thì Lễ hội Cộ Bà Chợ Được là nét văn hóa truyền thống, do đó, địa phương luôn chỉ đạo thực hiện một cách nghiêm túc, trang nghiêm và đảm bảo thuần phong mỹ tục. “Lễ hội này không mang tính mê tín, dị đoan, các hoạt động như đồng bóng bói toán, ăn xin, tụ tập bài bạc không hề có. Với sự quan tâm như vậy, ban tổ chức đề nghị với huyện bố trí lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông trực ở các tuyến đường để lễ hội diễn ra thông suốt”, ông Nguyễn Ba nói thêm.

Lễ hội Cộ Bà Chợ được năm nay, ngoài hoạt động chính là lễ rước Cộ, Bình Triều sẽ tổ chức các hoạt động như Hô hội Bài chòi, bóng chuyền Nữ, bóng đá Nam, và giải đua thuyền truyền thống trên sông Trường Giang. Và qua nhiều năm đã được tổ chức, có thể khẳng định, Lễ hội Cộ bà Chợ được, chính là không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, là nơi để người dân ngưỡng vọng các bậc tiền nhân và ước vọng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thành Châu - Trung Thực

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI