HOÀI NIỆM QUÊ

Bình Quý quê tôi là một trong những xã đồng bằng của huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Xã đồng bằng, nhưng vẫn có núi, sông, suối, đồng ruộng bao la tạo thành một bức tranh quê sơn thủy khá hữu tình.

          Sông Ly khá nổi tiếng, chảy dọc, men theo sườn Bắc, tiếp giáp với địa phận của huyện Quế Sơn. Suối Bà Ven thì men theo vùng Trung lộ. Xen kẻ với ruộng đồng đa dạng là đồi, núi lô nhô, được ví như những hòn non bộ khổng lồ do thiên nhiên ban tặng mà hiếm nơi nào trong huyện có được. Trong đó, đặc biệt nhất là núi Phú Cang. Núi này cao hơn 40 mét so với mặt biển, một thời được ví như một vị “hữu Bạch hổ”, cùng với vị “tả Thanh Long”, là núi Ngọc Sơn, Bình Phục tạo thành một vùng địa linh của huyện lỵ Thăng Bình. Phía Bắc hòn núi Phú Cang được coi là đuôi hổ, với cụm đá Thủ Chi, hình thành từ nhiều tảng đá lớn, bằng phẳng, lớn đến nỗi người ta có thể nằm ngủ hoặc phơi được hàng tạ sắn, hoặc khoai lang xắt lát trên bề mặt đá. Từ đuôi chạy lên đỉnh núi là thân hổ, với vô số hòn đá lô nhô, uống lượn. Đỉnh núi: đầu hổ là một cụm đá chồng, tạo thành một chiếc hang lớn, gọi là “hang Ông”. Du khách ngồi trên đỉnh hang Ông có thể phóng tầm mắt nhìn trời, mây, non nước, bao quát cả một vùng rộng lớn. Đặc biệt là có thể nhìn thấy được tàu bè qua lại ở biển Đông. Triền núi phía Tây thoai thoải, xưa kia là vườn Đình, nơi dân làng thờ cúng các vị Thần Bô Bô, Chúa Ngọc rất hiển linh. Triền phía Đông có miễu Bà Ve và Đình làng Tiền hiền Phú Cang sau này. Núi Phú Cang là biểu tượng đặc sắc của Làng Phú Cang, thậm chí là biểu tượng của xã Bình Quý. Nơi này đã từng ghi dấu ấn đậm nét vào tâm khảm của bao lớp người từ thế hệ năm, sáu X trở về trước, mãi không phai mờ. Các thế hệ lớn tuổi ở đây đã từng tìm thấy một cách rõ nét nhất ý nghĩa sâu sắc của hai tiếng quê hương, qua những kỷ niệm một thời của những ngày thơ ấu chăn bò, tập trận, bắt chim, hái sim, hái trâm, hái bứa ở nơi còn có thảm thực vật phong phú này.

          Sau ngày miền Nam giải phóng, do yêu cầu của tái thiết quê hương, người ta đã dùng mìn cho nổ tung các tảng đá để rải đường. Kể cả các cụm đá “ Thủ Chi”, “Hang Ông” đều đã sớm biến thành vùng ký ức. Gần đây, để lấy đất làm đường cao tốc, người ta đã cho xe ủi bạt cả đỉnh núi, làm trơ trọi những tảng đá màu lam lông lốc. Thảm thực vật phong phú xưa kia từng là nguồn lưu trử nước, làm im mát bốn mùa đồng, ruộng trong vùng. Nay dân làng mạnh ai nấy chiếm đất công, phá rừng, trồng keo chồng lấn lên cả mả mồ của người thiên cổ, biến đất đai vốn tươi mát xưa thành một doi đất khô cằn, cháy khét. Thật tiếc thay, sức người, cộng với máy móc hiện đại thời nay có thể làm nên những công trình kỳ vỹ, nhưng mãi mãi không thể nào có thể tái hiện được một siêu phẩm thiên nhiên như hòn núi Phú Cang này.

          Tiếc cảnh người viết bài này đã tái hiện lại qua một bài thất ngôn, bát cú. kính mong quý độc giả góp ý cho:

          Phú Cang thế núi ngự một phương

          Đất rộng trời cao khá tỏ tường

          Bạch Hổ phục ngang đâu đấy tỏ

          Hùm nằm ngẩng mặt ngắm Đại dương

          Hồn thiên hun đúc nên tuyệt tác

          Nhân kiệt, địa linh nghĩ chuyện thường

          Than ôi! thiên địa ưa cải biến

          Bãi bể nương dâu cảnh thảm thương.

                  

                                                                       Đặng An

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI