Ứng dụng máy phun thuốc không người lái vào sản xuất nông nghiệp

Thiết bị Drone – tên gọi khác là máy bay phun thuốc không người lái đã được áp dụng từ nhiều năm nay tại các tỉnh Nam Bộ. Mới đây thì thiết bị này đã được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp đến những chân ruộng đầu tiên tại các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Thăng Bình, bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan.

 

Kỹ thuật Tập đoạn Lộc Trời lắp đặt thiết bị Drone

Bình quân 10 lít nước, thiết bị Drone có thể phun gần 1 ha canh tác. Thiết bị này được Tập đoàn Lộc Trời tại Quảng Nam triển khai đi kèm với gói hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chăm sóc cây trồng và đồng hành cùng người dân trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Khi ký hợp đồng với đơn vị, HTX và người dân đã có thêm địa chỉ tin cậy trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lâm Thanh Hương (ở thôn Vân Tiên xã Bình Đào) cho biết, bình quân 1 sào, tính hết các khâu thì tôi mất thời gian gần 1 tiếng đồng hồ mới phun xong diện tích. Riêng với thiết bị Drone này, 1 ha chỉ được phun chưa đầy 15 phút.

Ông Phạm Quốc Cường - Tổ trưởng kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời tại Quảng Nam cho biết, khi ứng dụng thiết bị này, sức khỏe người dân sẽ được đảm bảo vì không trực tiếp tiếp xúc với thuốc. Đồng thời nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh, bởi các giọt bén đầu vòi nhỏ hơn nhiều lần so với máy phun tay, do đó sẽ tăng tỉ lệ tiếp xúc giữa thuốc và cây trồng.

“Không chỉ giảm công, mà thiết bị Drone còn giúp giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc thu gom thuốc sau khi sử dụng cũng được tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường” – ông Cường cho hay.

 

Thiết bị được điều khiển nhanh, chậm tùy thuộc vào từng chân ruộng

Là một trong những HTX Nông nghiệp hoạt động hiệu quả nhất tại huyện Thăng Bình với các sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp đa dạng. Hơn 80 ha đất tích tụ tập trung ruộng đất hiện có, HTX Nông nghiệp Bình Đào không chỉ đa dạng hóa sản phẩm cây trồng mà ngày càng hướng đến việc thay đổi tư duy sản xuất người dân, hướng đến sản xuất quy mô và chuyên nghiệp. Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào cho biết, vụ đông xuân 2020 – 2021, HTX tiếp tục cải tạo, tập trung một số chân ruộng sình lầy để trồng sen. Với diện tích tập trung ruộng đất tương đối lớn, HTX sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời để triển khai thiết bị Drone nhằm giảm chi phí sản xuất cũng như nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời tập huấn cho người dân dần tiếp cận với phương thức sản xuất này.

Theo ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam, vụ đông xuân 2020 – 2021, chúng tôi sản xuất 14 ha lúa giống, 6 ha sen. Với diện tích tích tụ, tập trung ruộng đất, việc ứng dụng máy bay phun thuốc không người lái đã cải thiện đáng kể khả năng phòng bệnh cho cây trồng. Qua theo dõi cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

“Mặc dù giảm lượng thuốc, ít thời gian phun thuốc hơn nhưng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh khá cao. Hơn nữa, bình quân 1 sào khi sử dụng thiết bị Drone, HTX chỉ chi trả 22.000 đồng tiền công phun, giảm 1 nửa so với phun thủ công trước kia” - ông Ninh nói.

 Ông Phạm Quốc Cường nói thêm, liên kết HTX là xu hướng của chúng tôi trong thời gian tới. Trong đó chú trọng đến lĩnh vực cung cấp vật tư và dịch vụ Drone. Đồng thời hướng đến dịch vụ “bao bệnh, bao tiêu và bao năng suất” cho các HTX.

“Đồng hành cùng các HTX, chúng tôi triển khai đội ngũ kỹ sư “3 cùng”. Tức là cùng đồng hành, cùng theo dõi và hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để người dân yên tâm khi sản xuất nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn sử dụng các loại thuốc đúng liều lượng,  vừa nâng cao hiệu quả phòng trừ, vừa nâng cao năng suất” - ông Cường cho hay.

VĂN TOÀN – MINH TÂN

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI