Thăng Bình tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp

Lượng mưa năm 2019 trên địa bàn huyện Thăng Bình rất ít, nên 3 hồ chứa Cao Ngạn, Đông Tiển và Phước Hà tích trữ nước đạt thấp, hiện nay các hồ vẫn đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân 2019-2020. Tuy nhiên, qua vụ hè thu 2020 khả năng thiếu hụt nguồn nước là rất lớn, riêng hồ Đông Tiển dự kiến cắt giảm gần 146 ha.

 

     

Mặc dù cây lúa đang giai đoạn phát triển nhưng nhiều tuyến kênh nội đồng do Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình quản lý đã cắt nước, thực hiện tưới luân phiên.

Canh tác 3 sào đất lúa trên cánh đồng ở thôn Châu Lâm xã Bình Trị (Thăng Bình) đã nhiều năm nay nhưng chưa năm nào ông Trương Văn Hồng thấy khó khăn về nước tưới như năm nay. Để có nước tưới, ông và người dân ở đây đã nhiều lần nạo vét các tuyến kênh dẫn nước về tưới cho cánh đồng, với mong muốn có đủ nước tưới cho vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì không hi vọng nhiều nếu thời gian tới trời không mưa.

Ông Bùi Văn Hải - Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình cho biết, để đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thời gian qua Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình đã triển khai sửa chữa những tuyến kênh bị hư hỏng, phát dọn và nạo vét thông thoáng các tuyến kênh mương để đảm bảo cấp nước nhanh nhất đến mặt ruộng. Ngoài ra, Chi nhánh còn cân đối nguồn nước các hồ chứa và lập giới hạn mực nước tối thiểu cuối tháng để có kế hoạch tưới phù hợp, hạn chế tối đa thất thoát nước tưới; riêng những hồ có khả năng thiếu nước thì tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tưới nước tiết kiệm theo phương pháp "ướt khô xen kẽ", tưới luân phiên, phấn đấu giảm từ 15 - 20% mức tưới mỗi đợt ngay từ đầu vụ sản xuất. “Đợt này, Chi nhánh thực hiện tưới luân phiên, nên thời gian tưới từ kênh tới mặt ruộng có chậm hơn so với trước nhưng vẫn đảm bảo cho bà con sản xuất. Đối với các địa phương, Chi nhánh khuyến cáo nên có những đơn vị thủy nông nội đồng để dẫn nước vào tưới những đám ruộng ở khu vực cao, tránh trường hợp những đám ruộng ở gần đã tưới đủ rồi nhưng ở xa chỉ còn một, hai đám mà buộc Chi nhánh phải tháo nước tưới, như vậy rất là phí nước”- ông Bùi Văn Hải nói.

Cũng theo ông Bùi Văn Hải, mặc dù hiện nay đang ở vụ sản xuất đông xuân 2019 – 2020 nhưng Chi nhánh đã xây dựng phương án chống hạn cho vụ hè thu 2020. Khi xảy ra thiếu nước, Chi nhánh sẽ khoanh vùng không để khu vực khô hạn phát triển ra diện rộng và chủ động thực hiện các các biện pháp chống hạn, vận động nhân dân thực hiện tưới nước tiết kiệm, đắp bờ giữ nước trên ruộng, đắp bờ ngăn kênh tiêu để tận dụng nước hồi quy, đồng thời hướng dẫn nhân dân thực hiện chế độ tưới nước tiết kiệm theo phương pháp "ướt khô xen kẽ", tưới luân phiên, nhất là các hồ chứa nước có nguồn nước đang bị thiếu hụt và tập trung nạo vét thông thoáng hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 tạo mặt cắt thông thoáng để chuyển tải lưu lượng nước trên kênh hiệu quả nhất, hạn chế tối đa lượng nước thất thoát qua công trình, kênh mương. Đồng thời tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn để kịp thời cân đối lượng nước hiện có của công trình để bố trí diện tích sản xuất cho phù hợp, cắt giảm diện tích sản xuất ở những nơi có nguồn nước tưới được dự báo sẽ bị cạn kiệt sớm.

Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình hiện quản lý 3 hồ chứa nước Cao Ngạn, Đông Tiển và Phước Hà, 21 đập dâng, trên 200 km kênh mương, 7 trạm bơm phục vụ nước tưới hằng năm cho gần 13.000 ha lúa và một số diện tích hoa màu trên địa bàn huyện Thăng Bình. Cùng với việc tiết kiệm nước tưới, ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình đã có chủ trương vận động người dân chuyển đổi sang trồng những cây trồng cạn ở vụ hè thu năm 2020 nhằm tránh thiệt hại do khô hạn; qua đó, dần giúp người dân chủ động được sản xuất trước tình trạng khô hạn như hiện nay.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI