Mô hình nông nghiệp liên hoàn

Ở thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên (Thăng Bình) có một mô hình nông nghiệp V.A.C (vườn, ao, chuồng) của anh Dương Đức Long theo quy trình chuỗi khép kín liên hoàn đầy khoa học và sáng tạo. Cụ thể, thức ăn dư thừa của ao nuôi cá lóc sẽ chuyển sang làm thức ăn cho cá trê. Sau đó, nước thải từ ao nuôi cá được tưới cho cây ớt, cây dừa xiêm và cây cỏ để làm thức ăn cho đàn bò.

      

Anh Dương Đức Long đang cho cá ăn.

Hiện gần 1,5 ha mà anh Dương Đức Long đang sở hữu trước kia là địa bàn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép. Bởi cát ở tại khu vực này trắng, mịn và cũng nơi giáp ranh với các xã Bình Phục (Thăng Bình) và xã Hương An (Quế Sơn). Trước thực tế này, anh Long đã đứng ra thuê đất của nhà nước để thực hiện mô hình nông nghiệp theo chuỗi khép kín liên hoàn. Không phải ngẫu nhiên mà người đàn ông 50 tuổi này nghĩ ra việc đầu tư xây dựng mô hình, mà trước đó anh Long đã có khoảng 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lóc và cá trê. Tuy nhiên, về lâu dài, anh cho rằng, việc nuôi cá ở sát khu dân cư sẽ ảnh hướng đến các hộ dân xung quanh. Sau đó, anh Long mạnh dạn thuê đất của địa phương để đầu tư ở một khu tách biệt. Theo anh Long, tháng 4.2019, anh đã đầu tư khoảng 500 triệu đồng để xây dựng nhà điều hành, 10 ao nuôi, trong đó chia đôi để nuôi cá lóc và cá trê. Tận dụng nước thải của ao nuôi, anh dùng để tưới cho khoảng 500 cây dừa xiêm, 2.000 cây ớt. Do nguồn nước dôi dư nhiều, anh tiếp tục trồng cỏ để chăn nuôi  bò. Cũng theo anh Long, không phải lúc đầu bản thân anh có ý tưởng như vậy. Tuy nhiên qua lời giới thiệu của bạn bè, anh còn học hỏi thêm 1 vài nơi khác rồi mới tiến hành thực hiện mô hình. Anh chia sẻ, vụ đầu tiên tôi thả nuôi 50.000 cá lóc và cá trê. Sau 6 tháng nuôi, tôi thu được tiền lãi khoảng 130 triệu đồng.  “Xuất thân từ nông nghiệp, vì vậy mình lấy nông nghiệp làm nền. Tuy nhiên, nếu làm nông nghiệp mà không có sự kết hợp, sự bổ trợ thì lâu dần cũng phá sản. Tôi đã từng trải qua giai đoạn như vậy. Nên bây giờ đi theo hướng này phải chu đáo, tìm hướng đi thích hợp. Hiện nay, đối với nguồn phân của đàn bò khoảng 20 con, tôi sẽ tận dụng để nuôi trùn quế”- anh Dương Đức Long nói.

Mô hình V.A.C của anh Long đã tận dụng được chuỗi phân làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi, trồng trọt, giảm được chi phí đầu tư, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đặc biệt, mô hình này, thay vì chất thải chăn nuôi được xả ra môi trường thì anh Long tận dụng làm thức ăn, phân bón không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Điều may mắn nhất của anh Dương Đức Long, đó là trong quá trình hình thành mô hình nông nghiệp, anh được đồng hành, giúp đỡ từ phía chính quyền địa phương. Theo ông Võ Văn Tưởng - Phó chủ tịch UBND xã Bình Nguyên (Thăng Bình), khu vực mà anh Long xây dựng mô hình nông nghiệp rất phức tạp về tình trạng khai thác cát trái phép. Địa phương nhiều lần can thiệp, nhưng đây lại là  khu vực giáp ranh với nhiều địa phương nên việc chấn chỉnh hoạt động rất khó. Do vậy, xã mới có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân vào đây để đầu tư xây dựng. Ban đầu, địa phương đã miễn tiền thuê đất trong vòng 1 năm đầu để anh Dương Đức Long đầu tư mô hình. “Từ một nông dân chân lấm tay bùn, anh Dương Đức Long mạnh dạn đầu tư vốn, quy hoạch, cải tạo vùng đất bãi thành mảnh đất tràn đầy sức sống với màu xanh của các loại cây và đa dạng các con vật nuôi đã và đang đem lại hiệu quả tích cực. Điều này không chỉ góp phần thay đổi kinh tế hộ gia đình, mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở xã Bình Nguyên”- ông Võ Văn Tưởng nói.

GIANG BIÊN – MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI