Thăng Bình hỗ trợ phát triển kinh tế thủy sản

Thực hiện Nghị quyết số 04/2013/NQ-HĐND ngày 19/12/2013 của HĐND huyện Thăng Bình về ban hành Đề án “Phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2014 – 2020”, huyện Thăng Bình đã có những chính sách hỗ trợ giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.

 

Với sự hỗ trợ của huyện Thăng Bình, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đóng tàu có công suất lớn để vươn khơi khai thác thủy sản

Là một trong 4 xã ven biển của huyện Thăng Bình, Bình Minh có chiều dài bờ biển hơn 9km. Xác định đây là lợi thế, Bình Minh đã chọn khai thác và chế biến hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Bà Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết 04, Bình Minh đã vận động nhân dân nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, bám biển; vừa tăng thu nhập vừa góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Qua tuyên truyền, vận động và áp dụng chính sách theo Nghị quyết số 04 đã hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân 460 triệu đồng; ngoài ra, còn hỗ trợ cho ngư dân tiếp cận và vay vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam... Từ đó, nhiều ngư dân ở Bình Minh đã mạnh dạn nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu có công suất lớn để bám biển. “Nếu như năm 2014, xã Bình Minh có 138 tàu thuyền, với tổng công suất 28.300 cv; trong đó, có 62 tàu công suất từ 90 cv trở lên và 34 chiếc đăng ký tham gia đánh bắt xa bờ; thì đến năm 2020, có 117 chiếc, tổng công suất là 54.800 cv, trong đó, có 97 tàu công suất từ 90 cv đến 909 cv tham gia đánh bắt xa bờ. Như vâỵ, có thể thấy rằng, số tàu thuyền giảm xuống, nhưng tổng công suất tàu thuyền tăng lên 26.500 cv và số tàu có công suất lớn tăng lên, ngư dân tham gia khai thác xa bờ, nên hiệu quả kinh tế cao hơn” - bà Nguyễn Thị Hoa nói.

Trước đây, tại xã Bình Sa người nuôi tôm ở đây nuôi theo hướng tự phát, nên việc bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm chung còn nhiều hạn chế, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho các hộ nuôi. Thực hiện Nghị quyết số 04, năm 2008, UBND xã Bình Sa thành lập 2 tổ cộng đồng nuôi tôm ở các thôn của xã. Từ khi thành lập, những thành viên đã thống nhất mùa vụ thả nuôi theo hướng dẫn của cấp trên, sau đó đồng loạt cải tạo ao, chuẩn bị ao nuôi theo đúng kỹ thuật và đồng loạt thả giống mua cùng 1 nơi, thả cùng thời điểm. Cạnh đó, sử dụng các loại thức ăn nuôi tôm, hoá chất, thuốc thú y và chế phẩm sinh học nằm trong danh mục cho phép. Cấp và thoát nước nuôi tôm dưới sự giám sát của Ban điều hành, nhất là khi tôm bị dịch bệnh thì phải dập dịch đúng quy định.... Qua đó, hạn chế dịch bệnh, năng suất, hiệu quả kinh tế của tôm nuôi theo hình thức tổ cộng đồng cao hơn so với khu vực nuôi riêng lẻ. Từ 2 tổ cộng đồng nuôi tôm ban đầu, đến nay trên địa bàn xã đã phát triển lên 5 tổ, có gần 30 hộ tham gia, với diện tích nuôi hơn 24 ha. Ông Phạm Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, việc hình thành các tổ cộng đồng nuôi tôm tại những vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã giúp nông dân tăng tính đoàn kết, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và việc quản lý của địa phương cũng thuận lợi hơn.

Huyện Thăng Bình có 4 xã ven biển gồm: Bình Nam, Bình Hải, Bình Minh, Bình Dương; với chiều dài 25km bờ biển và hệ thống sông Trường Giang chạy dọc theo bờ biển, diện tích tự nhiên khoảng 71,05 km2, chiếm 18% tổng diện tích toàn huyện, trong đó có khoảng 260 ha diện tích nuôi thuỷ sản. Đây là những điều kiện thuận lợi để Thăng Bình chú trọng phát triển kinh tế thủy sản.  Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, thực hiện theo Nghị quyết số 04, đến nay, huyện Thăng Bình hỗ trợ cho 52 chủ tàu, mỗi chủ tàu từ 20 – 30 triệu đồng để cải hoán, nâng cấp máy tàu, đóng mới tàu có công suất từ 250 cv trở lên; hỗ trợ 15 chủ tàu vay 22,5 tỷ đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Nam để đóng tàu có công suất lớn; ngoài ra, huyện Thăng Bình thành lập được 2 nghiệp đoàn nghề cá tại 2 xã Bình Minh, Bình Dương và 44 tổ đội đoàn kết đánh bắt trên biển; mở 8 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho 287 ngư dân; phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh mở 2 lớp đào tạo vận hành tàu vỏ thép cho 70 ngư dân và 1 lớp thợ máy cho 165 ngư dân. Qua đó, giải quyếtviệc làm thường xuyên cho hơn 4.000 lao động.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI