Nông dân xã Bình Phục vào mùa thu hoạch “kiệu tết”

Củ kiệu được làm dưa món, có vị chua – ngọt ăn kèm với thịt kho, bánh tét, bánh chưng- là món không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết của người dân Việt. Tại Thăng bình, kiệu được trồng nhiều tại một số xã vùng Đông. Xã Bình Phục là địa phương trồng kiệu nhiều nhất. Cuối tháng chạp, khi lá kiệu gần chuyển qua màu vàng là thời điểm nông dân ra đồng thu hoạch kiệu.

 

Ông Phan Văn Trường ra đồng nhổ kiệu bán cho thương lái.

Những ngày cuối năm, cùng với nhiều loại rau màu khác, củ kiệu đang được người dân xã Bình Phục tất bật thu hoạch để cung ứng ra thị trường phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Từ sáng sớm, ông Phan Văn Trường, thôn Tất Viên ra đồng nhổ kiệu. Ông Trường cho biết, từ tháng 7 âm lịch nông dân trên địa bàn bắt đầu trồng kiệu vụ tết. Năm nay, toàn xã Bình Phục trồng khoảng 200 ha. Hiện giá bán củ kiệu tại ruộng khoảng 30 đến 40 nghìn đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoài thì giảm.

Dù thời tiết không mấy thuận lợi, mưa nhiều nhưng nhờ kinh nghiệm trồng lâu năm nên vườn kiệu ông Trường vẫn đảm bảo đủ sản lượng. Củ kiệu vẫn to, đẹp như mọi năm. Dự tính trừ hết các chi phí cũng có thu nhập. Ông Trường chia sẽ “nghề làm kiệu vất vả, nhưng giá cả không tăng mấy, trừ mọi chi phí thì không còn lời bao nhiêu”.

 

 

Thương lái vào tận ruộng thu mua kiệu

Trên khắp những cánh đồng kiệu xã Bình Phục, từ 5-6 giờ sáng, người dân bắt đầu ra đồng thu hoạch và thương lái cũng vào tận ruộng để thu mua. Ông Trần Tình, thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, một trong nhưng hộ trồng kiệu nhiều của xã cho biết, lời lãi trồng kiệu không chỉ phụ thuộc vào diện tích mà còn phụ thuộc giá cả giống kiệu ban đầu và yếu tố cung cầu thị trường. Hiện nay, với giá cả thấp sau khi trừ mọi chi phí đầu tư, người trồng kiệu không có lãi.

Là một trong những thương lái lâu năm, chị Phạm Thị Côi chia sẽ, củ kiệu sau khi thu hoạch sẽ được phân loại theo kích thước rồi bán cho thương lái lớn vận chuyển đi các chợ trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác. Có những thương lái từ thành phố Hồ Chí Minh ra đặt hàng. Kiệu ở đây rất ngon và được nhiều người biết đến vì  có mùi thơm đậm đà của nó. Chị Côi nói “giá kiệu thì không tăng mấy, thấy bà con vất vả, nên mình cố gắng thu mua hết. Tiền nong sòng phẳng”

Cánh đồng kiệu thôn Tất Viên vào mùa thu hoạch

Năm nay, tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết và giá cả không cao nhưng bù lại thương lái thu mua kiệu nhanh, không kỳ kèo làm giá, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu. Vì thế, bà con vẫn phấn khởi có thêm đồng thu nhập sắm tết.

Ông Mai Văn Quân, cán bộ Ban nông nghiệp xã Bình phục cho biết, xác định kiệu là cây chủ lực của xã để tham gia tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (Ocop), những năm gần đây, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón và sự giúp đỡ về kỹ thuật của các ngành chuyên môn, cây kiệu được đầu tư trồng nhiều và hiệu quả năng suất cao hơn. “Kiệu Bình Phục cần sớm xây dựng thương hiệu riêng để nâng giá trị sản phẩm”- Ông Quân nói.

 

Những ngày cận tết, trên những cánh đồng cát trắng ở huyện Thăng Bình, một vựa kiệu lớn nhất ở Quảng Nam, nông dân tất bật ra đồng thu hoạch kiệu và thương lái tấp nập đến thu mua. Và trong những ngày này, nhà nào cũng đi mua củ kiệu về làm sạch và phơi héo cùng với cà rốt, đu đủ, củ cải, củ hành, ớt để làm dưa món. Món này ăn kèm với bánh chưng, bánh tét, thịt lợn trong ngày Tết thì ngon không gì bằng.

                                                                                                                          Tác giả: Đình Hiệp

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI