Mùa ép dầu phộng

Hằng năm, cứ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4, khi đã nhổ đậu phộng xong, vụ lúa Đông Xuân cũng đã được thu hoạch, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Thăng Bình lại cùng nhau đi ép dầu phộng. Tùy theo nhu cầu của mình, các hộ có thể ép từ 50kg đến hàng trăm kg, đảm bảo có thể dùng đến mùa vụ năm sau.

3  giờ sáng, công việc của ông Nguyễn Đình Thành – một người thợ ép dầu phộng ( Đồng Thanh Sơn, Bình Định Nam)  bắt đầu. Vừa đến chỗ làm, giờ này đã có 4 người đến ép dầu. Theo lệ, ngay tại cơ sở ép dầu, có sẵn một tấm bảng, ai đến trước, ghi trước, được ép trước. “Bà con tranh thủ đến sớm thì mình cũng phải cố gắng làm sớm, không để mọi người phải chờ đợi” – ông Thành vừa châm thêm nước vào nồi hấp đậu vừa tâm sự. Năm nay 60 tuổi, nhưng đã có 25 năm làm nghề ép dầu. “Từ những năm 90, tôi đã làm nghề này rồi, mỗi năm mùa ép dầu cũng chỉ kéo dài khoảng hơn một tháng nên ngoài công việc này, tôi còn làm thêm đủ nghề nữa, nhà nông mà.”  -ông Thành tâm sự.  Vừa dặm thêm một ít trấu vào bếp hấp, ông kể, ngày đó, sau khi làm xong một mùa sẽ được chủ trả công một lần. Cuối mùa, những lao động như ông không được trả bằng tiền mà mỗi ngày công được tính bằng 3 ang lúa (mỗi ang lúa khoảng 24 lon, gần bằng 5kg – pv).

Ông Thành cho biết, để có được những mẻ dầu thơm, vàng óng phải trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, đậu khô được cho vào máy để tách vỏ đậu. Sau khi tách xong, đậu phộng sẽ được xay nhuyễn rồi đưa vào lò hấp. Đây là khâu quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng của dầu.  Mỗi nồi hấp tối đa một lần được khoảng 200kg bột đậu đã máy sẵn. Sau khoảng 1 tiếng hấp thì trên vành nắp hấp sẽ xuất hiện những “giọt mồ hôi nước”. “Những giọt mồ hôi nước này xuất hiện là dấu hiệu nhận biết rằng bột đậu đã chín, có thể dùng để ép lấy dầu. Để cho đậu chín đều và nhanh hơn thì trước khi hấp cần phải tạo những đường dẫn hơi bằng cách dùng một cái cây ấn xuống nồi bột đậu, mỗi nồi như vậy, mình ấn khoảng 10 cái lỗ là được. Và điều quan trọng nữa là trong suốt quá trình hấp, lửa phải đều, không được quá lớn hay quá nhỏ” ông Thành chia sẻ.

 

Sau khi bột đậu được hấp chín, ông Thành sẽ xới lên rồi cho vào khuôn để ép.

Sau khi hấp chín, đậu sẽ được cho vào bao bố, dùng tay ép chặt thành bánh, cứ khoảng 15 đến 20 bánh sẽ được cho vào khuôn máy thủy lực để ép. Trong chốc lát, dòng dầu phụng thơm lừng,  vàng ươm sẽ tứa ra từ máy ép, cứ xong hết mẻ này thì đến mẻ khác, liên tục. Theo các lao động tại đây, mỗi ngày công việc  bắt đầu từ khoảng 3 giờ sáng đến 8 giờ tối, khi nào nhiều khách quá thì có thể muộn hơn. Ngày trước khi chưa có máy ép thủy lực này thì mỗi ngày xưởng có đến 5 người làm nhưng vẫn thấy mệt. Bây giờ chỉ có 3 người làm nhưng cũng thấy khỏe hơn rất nhiều.  Theo kinh nghiệm của những người ép dầu thì tùy vào mỗi loại đậu sẽ cho lượng dầu khác nhau nhưng thông thường, khoảng 100 kg đậu phộng sẽ cho ra được khoảng 20 kg dầu.  Hiện nay, mỗi kg dầu sau khi ép xong thì tiền công là 7000 đồng. Nếu một ngày làm liên tục từ sáng sớm đến tối thì mỗi lao động tại đây có thể thu nhập được khoảng từ 500.000 đến 600.000 đồng/ngày.

Ông Nguyễn Đình Thống – chủ cơ sở ép dầu phộng tại thôn Đồng Thanh Sơn (xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình) cho biết, ông làm nghề ép dầu phộng này đến nay đã hơn 40 năm, mỗi năm cơ sở của ông ép được khoảng 60 tấn đậu phộng. Để ép được dầu, trước đây chủ yếu là thủ công, dựa vào sức người là chủ yếu. Năm 2016, ông đầu tư 2 máy ép thủy lực với kinh phí gần 110 triệu đồng.  “Từ khi có máy ép bằng thủy lực, cơ sở của tôi đã giảm được 2 lao động, mọi người làm cũng đỡ vất vả hơn. Bên cạnh đó, với lực ép mạnh, lượng dầu được ép ra cũng nhiều hơn so với cách ép thủ công bằng sức người” – ông Thống cho biết.

Ông Nguyễn Minh (tổ 12, thôn Lý Trường, xã Bìnhh Phú) cho biết, hằng năm, gia đình ông làm được hơn 2 sào đậu, sau khi phơi khô còn được khoảng 400kg, ông đem ép lấy dầu hết để sử dụng và gởi biếu cho các con  đang sống ở Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh. “Dầu phụng ở quê mình ngon và chất lượng hơn là mua ở ngoài thị trường nên năm nào tôi cũng ép nhiều để gởi cho các con. Không chỉ lấy dầu phụng, sau khi đã ép hết dầu, những bánh dầu còn lại sẽ được người dân chúng tận dụng để dùng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón cho cây trồng”, ông Minh cho biết.

Những dòng dầu phộng óng vàng chảy ra, người dân sẽ rót vào những chiếc canh lớn để vận chuyển về nhà. Tiếp đến, chúng sẽ hiện diện trên những mâm cơm của từng nhà hay sẽ được đưa đi khắp mọi miền đất nước – như là một món quà quê thơm ngon, đậm nghĩa tình. Mùa ép dầu -  tuy ngắn nhưng rộn ràng, nhiều niềm vui.

TRUNG THỰC

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI