Khẩn trương ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan

Trước thực trạng dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, sáng 28.5, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Ở điểm cầu Thăng Bình, có ông Hồng Quốc Cường – Chủ tịch UBND huyện cùng các cơ quan, ban ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các xã, thị trấn, các thô, khu phố trong toàn huyện. 

 

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tính đến ngày 25.5.2019, dịch tả heo châu Phi đã lan rộng 35 tỉnh thành trên cả nước. Tại tỉnh Quảng Nam, dịch bệnh này đã xuất hiện chủ yếu tại các địa phương vùng đông như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ.  Riêng tại huyện Thăng Bình, các ổ dịch được phát hiện tại các xã cánh đông đó là xã Bình Dương ngày 22.5; Bình Sa và Bình Đào ngày 26.5. Trong đó, đã tiến hành tiêu hủy 47 con với tổng trọng lượng gần 3 tấn. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, do bệnh dịch tả heo châu Phi hiện nay chưa có vắc xin tiêm phòng cũng như chưa có thuốc đặc trị, trong khi quy mô chăn nuôi của người dân phần lớn là nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch ở các địa phương còn bộc lộ quá nhiều bất cập, hạn chế nên việc dập tắt loại dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm này không phải là chuyện một sớm một chiều, trước mắt phải khẩn trương triển khai các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan ra các khu vực lân cận.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo thiết lập 2 trạm kiểm soát động vật ở 2 đầu tuyến quốc lộ 1A qua địa phận tỉnh. Ngoài việc quán triệt các chỉ thị của cấp trên về triển khai chống dịch như Chỉ thị 34 của Ban bí thư; Chỉ thị 37 của Tỉnh ủy Quảng Nam về công tác phòng chống, khống chế dịch bệnh, các ngành các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào địa phương.

“Đối với người chăn nuôi, mua bán, giết mổ cần tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo phương châm 5 không đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt” - ông Lê Trí Thanh lưu ý.

Sau cuộc họp trực tuyến do UBND tỉnh triển khai, UBND huyện cũng đã quán triệt đến từng ngành, từng địa phương và người dân trong công tác phòng, chống dịch. Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện, hiện nay, UBND huyện đã củng cố Ban chỉ đạo và thành lập các tổ công tác phân công thành viên đứng điểm để nắm tình hình dịch bệnh ở từng địa phương. Đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, an sinh xã hội nên cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. “UBND huyện đã có kế hoạch để hỗ trợ các địa phương về kinh phí để triển khai lấy mẫu phân tích, mua sắm thêm các trang thiết bị để tiêu độc khử trùng. Đặc biệt, bên cạnh công tác phòng chống dịch, các ngành, các địa phương cần phải tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về dịch bệnh để người dân nhận thức, chủ động phòng ngừa, báo cáo với chính quyền địa phương khi có tình huống xảy ra” - ông Hồng Quốc Cường nói.

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, các ngành có liên quan, mỗi người dân cần trang bị kiến thức, kỹ năng để nhận diện mối nguy hại từ dịch tả heo châu Phi, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, ổn định kinh tế cho người chăn nuôi./.

VĂN TOÀN

 

 

 

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI