Hiệu quả từ việc tích tụ tập trung ruộng đất

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 20/12/2016 của HĐND huyện Thăng Bình về việc thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất (TTTTRĐ) trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2025; trong những năm qua, huyện Thăng Bình đẩy mạnh thực hiện xem đây là giải pháp để chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất tập trung với quy mô lớn và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người dân.

 

Những thửa ruộng sau khi được TTTTRĐ sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

          Bình Đào tiên phong

Bình Đào là địa phương đầu tiên của huyện Thăng Bình triển khai thực hiện TTTTRĐvà áp dụng máy cấy lúa vào sản xuất từ vụ đông xuân 2015 - 2016. Ban đầu, có khoảng 140 hộ nông dân tham gia với gần 150 thửa ruộng. Khi tham gia vào mô hình TTTTRĐ, toàn bộ số thửa đất trên với diện tích khoảng 10 ha được tập trung lại thành 66 thửa có diện tích lớn hơn. Điều đó đã tạo điều kiện để Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào áp dụng máy cấy lúa vào giúp nông dân sản xuất thay cho cấy lúa bằng tay. Cùng với thực hiện TTTTRĐtrên cây lúa, vụ hè thu 2016, HTX Nông nghiệp Bình Đào còn triển khai thực hiện 10 ha trồng đậu phụng ở thôn Vân Tiênvà cho hiệu quả cao.

Từ mô hình 20 ha TTTTRĐban đầu, đến nay HTX Nông nghiệp Bình Đào đã mở rộng diện tích lên 85 ha, trong đó thuê đất của nông dân là 15 ha, nông dân góp đất liên kết sản xuất 70 ha. Để hỗ trợ cho HTX Nông nghiệp Bình Đào thực hiện TTTTRĐ, từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 20/NQ-HĐNDngày 20/12/2016 của HĐND huyện và vốn lồng ghép đầu tư xây dựng nông thôn mới, huyện Thăng Bình đã hỗ trợ cho HTX trên 600 triệu đồng để thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, đúc cọc bê tông để xác định ranh giới phá bờ thửa nhỏ… ngoài ra, HTX còn đầu tư mua sắm 2 máy cấy, 1 máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, 1 lò sấy, sân phơi… phục vụ cho sản xuất.

Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào  cho biết, điểm thuận lợi khi thực hiện TTTTRĐ là sẽ tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu từ làm đất, cấy lúa, thu hoạch, sấy khô… đều bằng máy móc. Đồng thời người dân cũng dần thay đổi nhận thức về một mô hình tổ chức sản xuất mới, sản xuất lớn có sự liên kết giữa 4 nhà gồm: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và HTX - nông dân.

Nhân rộng mô hình

Sau Bình Đào, HTX Nông nghiệp Bình Nam cũng tiến hành thực hiện TTTTRĐ cả trên cây lúa và cây màu. Canh tác 450 m2 đất tại cánh đồng tổ 3, thôn Thái Đông (xã Bình Nam), ông Trần Văn Tài cho biết, rất phấn khởi khi tham gia TTTTRĐ. Bởi, lúc trước, mặc dù ông vẫn sản xuất nhưng những hộ xung quanh bỏ ruộng hoang nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Cây lát có nguy cơ xâm lấn và chuột hoành hành. “Chừ TTTTRĐ thì phá bờ vùng, bở thửa, ít có sâu bệnh, chuột, cắn phá lúa” - ông Trần Văn Tài nói.

Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam cho biết, đến nay, HTX Nông nghiệp Bình Nam đã thực hiện TTTTRĐ được 92,7 ha bằng việc khoán hoặc thuê đất lại của nông dân để sản xuất lúa và đậu phụng. “Hồi xưa khi chưa thực hiện TTTTRĐ thì sản xuất nhỏ lẻ, không đưa cơ giới hóa vào sản xuất nên hiệu quả rất thấp. Khi thực hiện TTTTRĐ thì tiến hành phá bờ, có thể áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ làm đất đến thu hoạch, rất thuận lợi” - ông Trần Văn Ninh cho biết thêm.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, cùng với Bình Đào và Bình Nam thì đến nay huyện Thăng Bình có 14 xã, thị trấn triển khai thực hiện TTTTRĐ, với diện tích gần 600 ha. Khi thực hiện TTTTRĐ thì sản phẩm được sản xuất với khối lượng lớn, đảm bảo chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ; không những đem lại hiệu quả kinh tế cho HTX mà hộ gia đình cũng nâng cao được thu nhập và doanh nghiệp cũng được lợi nhuận. Đây là lợi ích kép về kinh tế giữa các bên.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của công tác TTTTRĐ, HĐND huyện Thăng Bình tiếp tục ban hành Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 20/12/2019 về “Triển khai thực hiện Đề án tích tụ, tập trung ruộng đất huyện Thăng Bình giai đoạn 2020- 2025 và đến năm 2030” với nhiều cơ chế hỗ trợ hiệu quả hơn cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện TTTTRĐ.  “Các HTX thực hiện Đề án TTTTRĐ được ngân sách huyện, xã hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất; các cánh đồng thực hiện TTTTRĐ được đầu tư xây dựng hạ tầng như: giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng…” - ông Đoàn Thanh Khiết nói.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI