Bình Sa tan hoang rau màu sau bão số 9

Đáng ra ở thời điểm này, mỗi sào trồng hoa màu như khoai lang, nén, dưa leo hay đậu đũa của bà con nông dân Bình Sa (Thăng Bình) có thể cho thu nhập từ 7-10 triệu đồng. Thế nhưng bão 9 đã cuốn trôi tất cả. Nhiều diện tích rau màu bị nước cuốn trôi cả mét đất, ruộng trở thành sông với dòng nước chảy xiết. Theo người nông dân nơi đây, việc khôi phục lại sẽ là câu chuyện khó, bởi sức người là không thể.

 

Mưa bão đã cuốn đi cả mét đất trồng hoa màu của gia đình ông Thiên

Nhiều năm trước, vào thời điểm này, 5 sào đất của gia đình ông Phan Thiên (thôn Bình Trúc) đã phủ lên màu xanh mướt của cây nén, khoai lang và cây đậu đũa. Thế nhưng bão số 9 đi qua, màu xanh đã biến mất, chỉ còn lớp cát trắng phủ lên trên. Tất cả hoa màu của gia đình đã bị nước cuốn trôi, thậm chí cuốn đi cả lớp đất cát dày đến cả mét. Tiếc của, hiện nay, đối với những khoảnh đất không ngập nước, hai vợ chồng ông bắt đầu xuống giống trồng cây cải. Vậy nhưng vợ chồng ông cũng không hy vọng gì nhiều, bởi bão vẫn còn tiếp diễn.

 

Vườn đã biến thành sông với dòng nước chảy xiết

 “Trong 5 sào hoa màu đã trồng thì có đến 3 sào trồng cây nén. Điều đáng nói là tiền đầu tư mỗi sào trồng cây nén khá cao, chỉ tính riêng mua cây giống đã mất 2 triệu đồng/sào. Còn bao nhiêu công cán, phân, thuốc đã đầu tư vào, bây giờ chẳng còn gì nữa. Muốn cải tạo lại đất này phải nhờ đến xe múc, xe ủi chứ sức người thì cũng đứng nhìn thôi” - ông Phan Thiên ngao ngán cho biết.

 

Hai vợ chồng ông Thiên đang tiếp tục gieo trồng hoa màu khác sau bão số 9

Sống bao đời ở mảnh đất cát trắng Bình Sa, lão nông Bùi Đăng Hường (thôn Bình Trúc) đã tính toán kỹ lưỡng khi canh tác hoa màu vào dịp cuối năm. Hơn 2 năm trước gia đình ông Hường đã bỏ ra 35 triệu đồng để đầu tư bờ kè bằng bê tông chắn nước nhằm bảo vệ hơn 2 sào hoa màu. Vậy mà bão số 9 đi qua, bờ kè bê tông đã sụt lún, nhiều mảng tường vỡ bị nước cuốn đi. Bờ kè bê tông bị nước lũ cuốn trôi cũng đồng nghĩa với hơn 2 sào đất trồng dưa leo và cây nén cũng chẳng còn để thu hoạch. “Trước bão tôi đã thu hoạch được 5kg nén củ, dự kiến ít ngày nữa sẽ thu hoạch hết, vậy mà trong chốc lát mọi thứ đã bị cuốn theo dòng nước. Bây giờ tìm được 1 cây nén còn sót lại cũng khó. Hoa màu đâu không thấy, bây giờ cát trắng đã phủ lên lớp dày, nước chảy xiết qua chẳng còn làm được, chỉ chờ ra năm sau mới có thể khôi phục lại” - ông Bùi Đăng Hường cho hay.

 

Bê tông bảo vệ diện tích hoa màu đã của gia đình ông Bùi Đăng Hường đã bị sạt lở sau bão

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đợt 2, xã Bình Sa có 1 ca dương tính. Đến tháng 10.2020 mưa bão liên tiếp đã khiến địa phương này bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong trận lốc xoáy vào hồi tháng 10 đã làm 11 nhà bị tốc mái, trong đó có 3 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Lốc xoáy ập đến chưa  khắc phục thì bão số 9 đi qua đã khiến trên 800 ngôi nhà ở địa phương này bị hư hỏng từ 30 đến 50%; 6 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Bên cạnh đó, 298 ha rau màu cũng bị hư hỏng nặng. Theo ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa, nông nghiệp ở địa phương này chiếm đến 85%. Tuy nhiên mưa bão vừa qua đã khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng, nhất là hoa màu gần thu hoạch của nông dân. “Ngay sau bão số 9, địa phương đã thành lập nhiều đoàn, phối hợp với các thôn tiến hành rà soát, thống kê diện tích rau màu bị thiệt hại nặng. Đối với những diện tích hoa màu bị thiệt hại, địa phương cũng khuyến khích người dân nhổ bỏ để chuyển sang trồng cây ngắn ngày khác. Còn với những diện tích hoa màu bị vùi lấp, địa phương đã tổng hợp, trình lên cấp trên để có phương án xử lý khắc phục; đồng thời khuyến cáo bà con, hiện nay chưa nên canh tác trở lại đối với những diện tích hoa màu đã bị cát vùi lấp, bởi sẽ rất khó khăn do cát lún sâu”- ông Châu Quang Anh nói thêm.

GIANG BIÊN – TRUNG THỰC

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI