Nông dân chủ động phòng chống hạn
- Chi tiết
- Chuyên mục: XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- Lượt xem: 391
Trong khi nhiều nơi phải bỏ hoang ruộng đất do thiếu nước thì tại thôn Tây Giang xã Bình Sa (huyện Thăng Bình), người dân đã phát huy và tận dụng lợi thế từ các ao gom nước nhỉ để có thể duy trì những vụ sản xuất hiệu quả.
Ở những nơi khác vào thời điểm này, nhiều cánh đồng đang khô cằn, nứt nẻ, nằm chờ nước từ các tuyến kênh chính đổ về. Vậy mà ở tổ 1 thôn Tây Giang (Bình Sa), hơn 15 ha đậu phụng xuân hè gieo trồng được khoảng 40 ngày vẫn xanh mướt và phát triển tốt. Đó chính là nhờ vào 4 ao gom nước nhỉ tại đây. Chúng tôi có mặt tại cánh đồng tổ 1, thôn Tây Giang (Bình Sa) vào cuối tháng 5. Thời điểm này, gần 35 hộ dân đang cùng nhau nạo vét, đào đắp đất và dọn vệ sinh các ao để nước nhỉ được nhiều hơn. Theo ông Liên Văn Tháo (65 tuổi, thôn Tây Giang), thuở xa xưa, khu vực này thiếu nước quanh năm, chỉ gieo sạ mỗi năm một vụ đông xuân. Rồi sau đó, thời tiết bắt đầu khắc nghiệt dần lên nên đa phần ruộng đất ở đây cũng bỏ hoang. Tiếc đất, tiếc ruộng, năm 1970, bà con trong khu vực đã huy động cùng nhau đào những cái ao gom nước nhỉ để dự trữ nước phục vụ sản xuất. Điều khá đặc biệt ở khu vực này, đa phần là đất cát nên nguồn nước nhỉ rất dồi dào đảm bảo nguồn tưới ổn định. Và để những ao gom nước nhỉ sử dụng từ đó đến nay, cứ vào đầu vụ, bà con trong tổ thường rủ nhau đào đắp đất, dọn vệ sinh khai thông dòng chảy. “Cả khu vực này gieo sạ được 2 mùa lúa và 1 vụ đậu cũng nhờ vào mấy ao gom nước nhỉ. Gia đình tôi có 3 sào ruộng ở đây, nhưng phụ thuộc vào 2 ao gom nước nhỉ nên cái ao nào tôi cũng phải có trách nhiệm cùng với bà con dọn vệ sinh. Nông dân mình muốn hưởng thụ thì phải biết tích cực lao động”- ông Liên Văn Tháo nói.
Nông dân tổ 1 thôn Tây Giang đang đào đắp, dọn vệ sinh ao gom nước nhỉ.
Không chỉ người trẻ tham gia chung cùng bà con trong tổ đào đắp ao gom nước nhỉ để phục vụ cho việc sản xuất trước mỗi mùa vụ. Mà những người cao niên cũng góp sức cùng. Cụ ông Huỳnh Điền năm nay đã bước sang tuổi 90. Tuổi cao, sức yếu, vậy mà chưa bao giờ ông vắng mặt, cùng bà con trong đào đắp, dọn vệ sinh mấy cái ao gom nước nhỉ để có nước tưới cho 1,5 sào đậu phụng xuân hè của gia đình. Công việc này không ai ép, bởi ông Điền không có mặt, nước cũng vào tận mấy sào đất của gia đình. Thế nhưng vì thói quen bấy lâu, và hơn hết là sự đoàn kết, sẻ chia trong công việc nên ông có mặt xuyên suốt. “Ông bà tôi trước đây cũng canh tác ở đây, bây giờ đến lượt mình. Dù hai thế hệ nhưng làm ra hạt lúa, hạt đậu cũng phụ thuộc hoàn toàn vào mấy ao gom nước nhỉ. Cứ đầu vụ thì không ai bảo ai, ai có ruộng được tưới từ ao nước nhỉ nào thì phải có mặt để làm vệ sinh, đào đắp đất, khai thông nguồn nước nhỉ để tưới lúa, tưới đậu. Tôi cùng làm với bà con là muốn bà con hiểu rằng để làm ra hạt lúa, hạt đậu rất khó khăn, phải có nguồn nước từ những ao nước nhỉ này thì cây lúa, cây đậu mới mọc lên và thu hoạch” - ông Điền cho biết.
Theo trưởng thôn Tây Giang- Thủy Ngọc Lãnh, toàn thôn Tây Giang xã Bình Sa có tổng cộng 8 ao gom nước nhỉ, riêng tại tổ 1 có đến 4 ao với 30 hộ sử dụng. Từ ao gom nước nhỉ tại tổ đã giúp cho việc ổn định nước tưới hơn 15 ha và bà con tổ 1 mới sản xuất được vụ lúa đông xuân, vụ đậu phụng xuân hè và vụ lúa gieo hè thu. Bà con ở đây đoàn kết, cứ mỗi mùa vụ mới thì bắt đầu cùng nhau dọn ao để có nguồn nước ổn định. Ông Lãnh cũng cho biết thêm, mỗi ao nước nhỉ tưới được 4 sào đất/ngày. Do vậy, sau khi nạo vét ao, thì bà con trong tổ họp lại phân công cho từng hộ sử dụng nguồn nước đảm bảo. Các hộ dân tự đăng ký ngày mình trực tưới nước, luân phiên như vậy cho đến hết mùa vụ. Nhờ phân công cụ thể nên không ai ở đây cãi vã chuyện nước tưới. Đối với những người lớn tuổi và người có ruộng nhiều thì ưu tiên lấy nước trước. Hoặc gia đình nào có chuyện hiếu, hỷ thì cũng được ưu ái.
Ông Phạm Ngọc Cường- Phó chủ tịch UBND xã Bình Sa cho hay, những ao gom nước nhỉ tồn tại ở địa phương hàng chục năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Đây là những công trình chống hạn hiệu quả đối với những chân ruộng thường xuyên thiếu nước, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Thời gian qua, địa phương cũng đã trích nguồn cấp bù thủy lợi phí, nguồn sự nghiệp kinh tế của địa phương và nguồn kinh phí chống hạn do huyện Thăng Bình phân bổ để hỗ trợ nhân dân trong việc nạo vét ao gom nước nhỉ.
Giang Biên - Trung Thực
Tin mới
Các tin khác
- Đặt tên đường ở khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu - 17/04/2018 00:03
- Bình Trung công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới - 26/03/2018 08:37
- Bình Trị công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới - 23/03/2018 00:07
- Phụ nữ Thăng Bình tham gia xây dựng nông thôn mới - 15/03/2018 01:31
- Tích tụ tập trung ruộng đất ở Bình Nam: Người dân đồng thuận cao - 13/03/2018 00:01
TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT
- Tin mới đăng
- Tin xem nhiều
-
Làm giàu từ chăn nuôi gà - 2018-08-22
-
Truyền thống làm Xoa xoa ở Bình Nguyên - 2021-01-27
-
Thăng Bình sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn - 2018-12-10
-
Lò lân anh Vỹ - 2018-08-10
-
Khai mạc giải bóng đá nam huyện Thăng Bình 2018 - 2018-07-26
-
Huyện đoàn Thăng Bình khởi động tháng thanh niên - 2018-03-05
-
Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12) - 2018-11-29