Chợ không có điện

Chợ không có điện. Đó là chợ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình được xây dựng vào năm 2006. Gần 10 năm sau, chợ mới chính thức hoạt động nhộn nhịp trở lại nhờ sự vận động tích cực của chính quyền địa phương. Thế nhưng lại phát sinh một chuyện đó là thời gian gần đây không có điện dẫn đến mọi sinh hoạt, buôn bán của tiểu thương rất khó khăn.

  Chiếc đèn pin thường dùng mỗi khi gia đình bị cắt điện thì nay lại có mặt  thường trực vào giữa ban ngày tại ki ôt bán quần áo của bà Đặng Thị Cẩm tại chợ xã Bình Minh. Điều này đã được tiếp diễn 2 tháng qua từ khi chợ Bình Minh chính thức bị cúp điện. Chính vì thiếu điện nên gian hàng của bà  Đặng Thị Cẩm cũng vì thế mà ế ẩm dần. Theo bà Đặng Thị Cẩm, chợ cắt điện 2 tháng nay do một số tiểu thương cho rằng giá bán điện cao, khi chia ra bình quân đầu người cao nên các tiêu  thương phản đối và dẫn đến không chịu đóng tiền điện. “ Do kiot của tôi nằm giữa chợ nên thiếu ánh sáng. Tôi phải sạc đèn pin ở nhà rồi đem ra chợ để dùng tạm chờ đến khi có điện trở lại. Điện không có, nên người mua cũng chỉ tập trung phía  cổng chợ để mua bán  do đó các ki ôt trong này không có khách.  Người mua đến đây lựa chọn quần áo cũng phải có ánh sáng mới nhìn thấy để mà lựa, bây giờ tối như vậy ai mà đến mua, có chăng cũng chỉ có người quen”-  Bà Cẩm- Tiểu thương chợ Bình Minh ngán ngẩm cho hay.

Gian hàng của bà Đặng Thị Cẩm phải dùng đèn pin để có ánh sáng bán hàng

Không dùng đèn pin, cũng không nối điện với các hộ gia đình xung quanh chợ, bà Trần Thị Lại – Tiểu thương bán quần áo chợ Bình Minh đem nguyên một chiếc bình  ắc  để thắp sáng gian hàng của mình. Thế nhưng điều bà Lại không lường trước, đó là sự an toàn trong công tác phòng cháy, nổ, nếu bình ắc quy phát nổ thì  không biết điều gì sẽ xẩy ra… Nhưng lực bất tòng tâm vì cuộc sống mưu sinh bà phải chấp nhận như vậy để kiếm cái ăn. Bà Trần Thị Lại cho biết: “Do không quen biết với hộ nào xung quanh chợ thì phải dùng đến cách như vậy. Mong rằng chính quyền cấp trên nghiên cứu cấp điện trở lại để tiểu thương chúng tôi tiếp tục buôn bán. Bao nhiều tiền điện chúng tôi cũng trả cho nhà nước”.

Thiếu điện cũng đồng nghĩa việc thiếu nước sinh hoạt. Do đó những cái giếng bơm bỗng dưng mọc quanh chợ để đáp ứng như cầu sinh hoạt, buôn bán của các tiểu thương. Bà Phan Thị Ba- Tiểu thương bán chè, nước giải khát tại chợ Bình Minh mỗi ngày bán ra hàng chục chiếc ly. Thế nhưng không có nước tại chợ, nên lúc đầu bà đưa toàn bộ số ly trở về nhà để tự rửa, rất bất cập. Chính vì thế bà đành lòng chung góp gần 700.000 đồng với các tiểu thương khác để đóng giếng bơm tại chợ để có nước sinh hoạt, rửa ly bát. Bà Ba cho rằng, chợ Bình Minh được biệt danh là chợ Chanchu. Bây giờ đổi sang chợ Vinpearl, thế nhưng nói thì buồn chứ chợ mà không có điện thì lấy gì cho tiểu thương rửa tay, sinh hoạt mỗi khi tan chợ.

Các tiểu thương tự đóng giếng bơm để có nước sinh hoạt

Chợ Bình Minh được xây dựng vào năm 2006. Khi xây dựng xong, chợ vắng bóng người do tiểu thương không chịu di dời vào chợ. Mãi đến cuối năm 2016, chính quyền địa phương giao cho các Hội đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền vận động nên chợ mới bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại. Điều đáng nói, dù hoạt động lại gần 3 năm nhưng địa phương vẫn đang trong quá trình miễn thuế cho tiểu thương tại chợ, chỉ thu phí môi trường và điện. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây, các tiểu thương không chịu đóng tiền điện và dẫn đến cắt điện toàn bộ khu vực chợ. Không có điện, một số tiểu thương đấu nối điện của các hộ dân xung quanh chợ hoặc làm bằng nhiều cách khác nhau để có ánh điện phục vụ buôn bán. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Phước Đồng- Chủ tịch UBND xã Bình Minh giải thích, chợ có điện từ tháng 11.2016 đến tháng 4.2018. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, một số hộ tiểu thương không đóng tiền điện nên ngành điện đã cắt điện từ tháng 5 đến nay. Thời gian qua,  địa phương hợp đồng với Điện lực Thăng Bình sử dụng tại chợ là  điện sinh hoạt thì tính theo giá bậc thang. Các tiểu thương dùng chung, khi mà trữ lượng dùng cao thì giá tăng theo bậc thang theo quy định của ngành điện. Như vậy khi chia ra cho từng hộ tiểu thương thì giá sẽ cao. UBND xã cũng đã làm thủ tục với ngành điện để thanh lý hợp đồng và thanh toán số tiền nợ điện khoảng 5 triệu đồng. Ngoài ra chi phí môi trường, địa phương cũng phải trích nguồn ngân sách để nộp thêm khoảng gần 1 triệu đỗng mỗi tháng cho chợ bởi thu không đủ chi. Đối với  thực trạng từ khi cắt điện đến nay giờ, các tiểu thương dùng điện cá nhân, hộ gia đình hoặc sử dụng các phương tiện điện không đảm bảo an toàn. Việc này địa phương đã họp với  Ban quản lý chợ Bình Minh  nắm tình hình. “Giải pháp trong thời gian đến, địa phương sẽ tổ chức lại Đề án thu phí và các khoản liên quan đến hoạt động chợ. Sau khi có Đề án, địa phương sẽ tiến hành họp tiểu thương tuyên truyền, vận động theo Đề án địa phương đưa ra. Địa phương cũng xác định, từ nay nguồn ngân sách của địa phương sẽ không đầu tư, không hỗ trợ hoạt động của chợ mà lấy thu tại chợ để chi lại cho mọi hoạt động như điện, môi trường và phí của chợ. Chợ Bình Minh xây dựng từ rất lâu, hiện đã xuống cấp. Địa phương đang tính đến chuyện xây dựng phương án để xin nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên cùng với nguồn ngân sách địa phương để nâng cấp những hạng mục đã xuống cấp tại chợ. Theo định hướng phát triển, chợ phải đảm bảo mọi hoạt động của tiểu thương, người dân mua bán tại chợ.  Trong khi Bình Minh đang tiến hành thực hiện Đề án xây dựng Bình Minh trở thành Đô thị loại V, thì đối với chợ Bình Minh hiện không còn phù hợp với chợ Đô thị.  Định hướng của địa phương là nâng cấp chợ để xứng tầm Đô thị loại V vào thời gian tới”- Ông Phan Phước Đồng nhấn mạnh thêm.

Giang Biên- Văn Toàn

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI