Nông dân Bình An phát triển các mô hình kinh tế
- Chi tiết
- Chuyên mục: XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- Lượt xem: 447
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, cùng với tinh thần kiên trì, quyết tâm của người nông dân, những năm gần đây, trên địa bàn xã Bình An (huyện Thăng Bình), nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng, những mô hình mới đã xuất hiện. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh xen canh các loại cây ăn quả, ông Võ Lan (thôn An Phước) còn nuôi thêm ong rừng để tăng thu nhập.
Nhiều năm trước, vợ chồng anh Trần Trung Cang và chị Phan Thị Hoa, thôn An Thái, xã Bình An ấp ủ ước mơ xây dựng một trang trại nuôi dê. Thế nhưng, chị bán chuối ở chợ, anh thì ai kêu gì làm nấy, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải qua ngày. Không có vốn nên mong ước đó cứ mãi bị bỏ dở. Cho đến 2 năm gần đây, được sự hỗ trợ của xã Bình An về vốn, kỹ thuật chăn nuôi nên vợ chồng anh chị quyết định mở trang trại. Trên mảnh đất gò đồi chừng 1.000m2, anh Cang và chị Hoa bắt tay xây dựng các chuồng nuôi dê, trùn quế và gà. Lý giải điều này, chị Hoa cho hay: “Nếu nuôi mỗi dê thì cũng phí đất, hơn nữa, vốn liếng chưa nhiều, anh chị chỉ còn cách lấy ngắn nuôi dài. Tôi nuôi dê thì phân dê được dùng để nuôi trùn quế, gà ăn lại trùn quế, nhờ vậy mà chất lượng thịt gà ngon hơn”.
Trong khi nhiều nông dân khác bỏ đất thì ông Trần Đình Chương, 49 tuổi, tổ 3, thôn An Thành 2 lại thuê thêm đất của nhiều hộ xung quanh để canh tác. Chỉ 2 vợ chồng ông nhưng sản xuất trên diện tích 2ha. Ngoài trồng lúa, ở những khoảnh ruộng không chủ động nước, ông mạnh dạn chuyển sang trồng dưa, đậu phụng từ nhiều năm nay. Ông Chương cho biết: “Trồng lúa không đạt nên mới đầu, tôi chuyển qua trồng dưa hồng. Nhưng do ẩm nên bị bệnh nhiều. Vì vậy, tôi tiếp tục chuyển qua trồng đậu phụng và dưa gang. Bây giờ thì dưa gang và đậu phụng cho năng suất ổn định, công việc cũng thong thả”. Không những chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông còn đầu tư trang bị máy móc để ứng dụng vào trong sản xuất. Máy cày, máy gặt đập vừa phục vụ cho gia đình vừa làm dịch vụ cho hộ trong vùng để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo điều kiện để nuôi các con ăn học.
Ở tuổi 55, ông Võ Lan, tổ 4, thôn An Phước sở hữu mảnh vườn với nhiều cây ăn trái. Đây không chỉ là nơi an hưởng tuổi già mà còn mang lại nguồn thu rất lớn cho gia đình ông. Chọn tiêu làm cây trồng chủ lực, nhưng, ngoài việc tập trung phát triển loại cây này, các cây như chuối, thơm, bưởi,…được trồng xen canh đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu từ 100 - 150 triệu đồng/ năm. “Mong muốn làm kinh tế vườn như thế này thì tôi ấp ủ lâu rồi nhưng trước kia do cuộc sống gia đình còn khó khăn, tôi phải làm nhiều nghề khác nhau. Khi đó, mỗi tháng, ngoài 20 ngày đi làm công để kiếm tiền nuôi con ăn học, tôi dành những ngày còn lại để chăm sóc cho khoảnh vườn. Tập hợp nhiều cây giống, con giống khác nhau, và với mỗi loại, tôi đều phải tích cực học hỏi, tìm kiếm kỹ thuật nuôi, trồng phù hợp.”- ông Võ Lan chia sẻ.
Cùng với phát triển trồng trọt, chăn nuôi, Bình An còn tập trung phát triển lâm nghiệp. Nhiều hộ trên địa bàn xã trồng từ 15 đến 20ha rừng keo các loại mỗi năm, gắn với việc cải tạo trồng các loại cây phân tán ở các hộ gia đình nên mức thu nhập kinh tế từ nguồn khai thác lâm nghiệp của các hộ gia đình càng cao. Hằng năm, toàn xã có 1042 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp tỉnh là 11 hộ, cấp huyện là 148 hộ và cấp xã là 979 hộ.
Theo ông Trần Văn Phường- Phó Chủ tịch UBND xã Bình An, huyện Thăng Bình, nhờ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mà kinh tế của địa phương đã có chuyển biển rõ rệt. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm. Những mô hình tiêu, trồng sen, bánh tráng đa nem, làm nấm, giải quyết lao động trên địa bàn xã. “Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin rộng rãi những cơ chế phát triển kinh tế đến người dân, tạo điều kiện để nông dân được vay vốn sản xuất. Đặc biệt, nếu người nông dân mong muốn phát triển mô hình kinh tế thì địa phương sẽ tạo điều kiện để giới thiệu họ đi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình có hiệu quả khác trong huyện, trong tỉnh.”- ông Trần Văn Phường cho hay.
THU SƯƠNG – VĂN TOÀN
Tin mới
TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT
- Tin mới đăng
- Tin xem nhiều
-
Làm giàu từ chăn nuôi gà - 2018-08-22
-
Truyền thống làm Xoa xoa ở Bình Nguyên - 2021-01-27
-
Thăng Bình sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn - 2018-12-10
-
Lò lân anh Vỹ - 2018-08-10
-
Khai mạc giải bóng đá nam huyện Thăng Bình 2018 - 2018-07-26
-
Huyện đoàn Thăng Bình khởi động tháng thanh niên - 2018-03-05
-
Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12) - 2018-11-29