PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Khuyến học ở Cao Ngạn

Hơn 10 năm về trước, những đứa trẻ của làng Cao Ngạn từ lớp 4 trở đi phải ra tận trung tâm xã để học. Trên con đường ngoằn ngoèo, những bậc cha mẹ như ông Nguyễn Văn Được phải chở con bằng xe đạp vượt qua mấy con dốc.

Tiết kiệm chi tiêu hằng ngày, ông Được cho vào “Heo đất khuyến học”

Còn nhớ, năm 2007, con trai đầu của ông Được đậu đại học. Cả làng đến chúc mừng và cả những người con xa quê cũng góp chút tình gửi tặng gia đình ông và con trai. Thế rồi, 3 người con của ông Được cũng nối tiếp nhau vào đại học. Ông Được chia sẻ: “Thời đó, quê hương cực khổ, thấy con ham học nên gia đình cũng tạo điều kiện để con được đến trường. Nhìn con học tốt, trưởng thành bao nhiêu cực khổ lại hóa thành sung sướng”. Bây giờ cả 3 con trai của ông Được đều là kỹ sư, riêng con gái mở trang trại kinh doanh.

Đã bước qua tuổi 61, con cái trưởng thành, có việc làm ổn định nhưng hằng ngày vợ chồng ông vẫn tiết kiệm chi tiêu để cho vào “Heo đất khuyến học”. Và không riêng gì vợ chồng ông Được mà tất cả hộ dân trong thôn đều tham gia mô hình “Heo đất khuyến học”. Bằng cách tiết kiệm chi tiêu, mỗi gia đình nuôi 1 con heo đất, sau 1 năm học sẽ tiến hành khai heo đất và toàn bộ kinh phí được dùng để khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo ông Trương Quang Lý - Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ thôn Cao Ngạn, từ sự hỗ trợ của Hội Khuyến học huyện, thôn đã có cách làm thiết thực trong công tác khuyến học, khuyến tài. Tất cả người dân đều tham gia vào hội khuyến học chứ không giới hạn trong những gia đình có con em đang đi học. Hằng năm cứ vào cuối tháng 6, Chi hội Khuyến học trong thôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận thôn tổ chức phát thưởng cho các em học tập tốt trong năm học vừa qua. Những em đạt loại giỏi thì được nhận 10 quyển vở và 50 nghìn đồng, em học khá thì được nhận 10 quyển vở. Tuy phần thưởng vẫn còn ít nhưng đó là món quà tinh thần để động viên các em tiếp tục nỗ lực trong học tập. Không chỉ khen thưởng học sinh khá, giỏi, thôn còn vận động nguồn lực để trao học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời trợ sức để các em theo đuổi ước mơ. Ông Trương Quang Lý cho biết: “Từ khi con em đi học ra trường, đời sống người dân nơi đây cũng dần thay đổi. Bởi con cái học hành bài bản, thành đạt cũng là kênh quan trọng góp phần từng bước nâng cao nhận thức của người dân. Việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng phát triển, chủ lực là chăn nuôi bò nhốt chuồng với việc chăm sóc bài bản, đem lại thu nhập ổn định”.

Cách đây hai năm, Hội Khuyến học huyện Thăng Bình đã kết nghĩa với thôn Cao Ngạn, xã Bình Lãnh. Từ đây, địa phương đã có thêm nguồn lực để chăm lo cho sự học của con em. Việc xây dựng gia đình học tập cũng theo đó được lan tỏa. Từng là thôn có tỷ lệ hộ nghèo dẫn đầu toàn xã, nay Cao Ngạn chỉ còn 1 hộ nghèo. Trẻ em không còn bỏ học giữa chừng, nhiều gia đình vượt khó nuôi con ăn học thành tài./.

Thu Sương- Trung Thực

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI