Xã Bình Triều tổ chức Lễ cúng Bà Chợ Được

Sáng ngày 08/2 (tức 11 tháng Giêng), tại Lăng Bà Chợ Được ở làng Phước Ấm, (xã Bình Triều, Thăng Bình) diễn ra Lễ cúng Bà Chợ Được. Đây là lễ mang tính tâm linh, tín ngưỡng và truyền thống của người dân, là một phần trong Lễ hội Bà Chợ Được. Đến dự và dâng hương có đồng chí Lê Quang Hạt - UVTVHU, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đ/c Nguyễn Thanh Phong - UVTVHU, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN; đ/c Phan Thị Nhi – UVTVHU, Phó Chủ tịch UBND huyện.

 

Lãnh đạo huyện Thăng Bình dâng hương tại Lăng Bà Chợ Được

Buổi lễ diễn ra trong không khí, trang nghiêm, thành kính với các nghi thức dâng hương, dâng trầu cau, hoa quả, trà, rượu. Đây là lễ hội dân gian mang tính tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của nhân dân xã Bình Triều nói riêng và các xã vùng Đông huyện Thăng Bình nói chung.

 

Thực hiện nghi lễ cúng Bà cầu mong một năm bình an, hạnh phúc

Việc tổ chức Lễ hội Bà Chợ Được thường lệ hằng năm là dịp để địa phương tiếp tục bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mua may bán đắt, vạn sự bình an và may mắn.

 

Thực hiện nghi lễ dâng trà, rượu trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Với sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền địa phương và người dân, Lễ hội Bà Chợ Được mang đến một khí thế mới, tinh thần mới và không khí lao động hăng say, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Dịp này, xã Bình Triều còn tổ chức lễ hội “Chợ quê” và các hoạt động văn hóa, thể thao khác.

 

Các đồng chí lãnh đạo huyện Thăng Bình, xã Bình Triều và đông đảo bà con nhândân về dự lễ.

Được biết, ngày 31/12/2008, Lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 19/12/2014, Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Theo truyền thuyết, Bà Chợ Được tên Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25/2 năm Cảnh Thịnh bát niên (1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái, nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Sinh thời, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Năm Đinh Sửu (1817) Bà mất, dân làng lập đền thờ tại quê nhà.

Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, hóa thân thành thiếu nữ đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh và khai sinh ra chợ Được. Để tri ân công đức của Bà, người dân địa phương lập lăng thờ, hằng ngày hương khói.

ĐÌNH HIỆP

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI