Vũ Tự Sinh và ước mơ được chắp cánh từ khuyến học

Nhà nghèo, con đường học vấn nhiều lần dang dở, nhưng cậu bé Vũ Tự Sinh – một học trò nghèo quê Linh Cang, Bình Phú ngày nào, giờ đã có một gia đình hạnh phúc và một công ty công nghệ với gần 20 nhân viên tại Tp. Đà Nẵng. Để có được sự thành công như hôm nay là cả một quá trình rèn luyện và phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân anh. Cùng với đó, thành công hôm nay, theo anh Sinh còn được tạo động lực từ một lần mà anh gọi đó là khoảnh khắc cuộc đời.

Cuộc đời đôi khi có những ngã rẽ, có những lằn ranh mà nhiều lúc con người ta không thể lựa chọn. Đó có thể là do hoàn cảnh hoặc là do chúng ta chưa đủ trưởng thành. Cậu bé Vũ Tự Sinh ngày ấy đứng trước cả 2 trường hợp đó. Nhà nghèo, sống với một người mẹ bị mất thị giác, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Sinh phải tự bươn chải cuộc sống cùng mẹ bằng việc đốn củi, chăn bò trên những triền núi nơi vùng quê cách mạng Linh Cang. Sinh nghỉ học vì hoàn cảnh không cho phép. Và rồi cái mà Sinh gọi là bước ngoặt cuộc đời cũng đã đến một cách bất ngờ.

“Lúc ấy, tôi cùng mẹ sống trong một ngôi nhà ngói nhỏ cạnh đường lên căn cứ cách mạng Linh Cang. Hoàn cảnh gia đình khó khăn đã khiến tôi phải bỏ học giữa chừng. Sáng đó, tôi đang chăn bò thì một người nào đó gọi về. “Con có muốn đi học tiếp không” – đó là câu hỏi của bác Nguyễn Hữu Hiệp, một người mà tôi chưa biết là ai, nhưng lại ngay lập tức trả lời- dạ có. Sau đó, được sự giúp đỡ của bác Hiệp cũng như trường THCS Lê Lợi, tôi đã được tiếp tục đi học” – Sinh chia sẻ.

Ngay sau khi được sự giúp đỡ từ Hội khuyến học huyện, Vũ Tự Sinh đã được viết tiếp ước mơ trên ghế nhà trường. Sinh phấn đấu, nổ lực từng ngày trong cả học tập và cuộc sống. Nhưng con đường để anh đi đến thành công như hiện tại chưa bao giờ là bằng phẳng. Tốt nghiệp cấp 2, một lần nữa, cánh cửa mái trường trung học phổ thông lại khép lại với anh. Những vướng mắc về tuổi tác và giấy tờ đã làm gián đoạn việc học của Sinh thêm 2 năm. Và có thể dài thêm nữa hoặc không bao giờ Sinh có thể tiếp tục theo đuổi việc học, nếu như không được sự hỗ trợ của Hội khuyến học huyện và cá nhân ông Nguyễn Hữu Hiệp (khi ấy là Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình.)

“Nhà nghèo nhưng không được để đến mức là không còn đồng nào dự trữ”. Đó là cách mà Vũ Tự Sinh đã vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và cả cuộc sống sau này để có được thành công như hiện tại. Những ngày đi học cấp 3, mỗi tháng anh được một doanh nghiệp (thông qua Hội khuyến học huyện) hỗ trợ 200.000 đồng. “Tôi đã nhẩm tính và chia ra mỗi ngày chỉ được phép sử dụng 7.000 đồng, nếu hôm nào dùng hơn thì hôm sau phải tiêu ít lại bởi mỗi tháng chỉ có chừng đó. Mình nghèo nhưng không bao giờ được để đồng tiền hết, hết sạch bởi cũng giống như đi xe máy, có thể dắt bộ giữa đường vì hỏng chứ không thể vì hết xăng, bởi cái đó mình có thể tính toán được” – anh Sinh nói thêm.

 

Anh sinh chia sẻ về cuộc sống và công việc hiện tại của mình

Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình cho biết, những món quà hay những suất học bổng của Hội cũng chỉ là tạo bước đệm và thêm động lực để các em cố gắng hơn sau này. “Không bao giờ là đủ để giúp đỡ mọi người. Những phần quà, những suất học bổng, những lời động viên mà Hội khuyến học huyện cùng những cá nhân tổ chức đồng hành đem đến cho các em học sinh nghèo trên địa bàn huyện chỉ có thể là tiền đề, là động lực cho một hành trình dài trong quá trình học tập và phấn đấu sau này. Không ai có thể sống cho cuộc đời người khác, vì thế những người làm khuyến học huyện Thăng Bình mong muốn các em, các cháu được hỗ trợ hãy phấn đấu và rèn luyện, để sau này, dù có thành công hay không thì cũng là người tử tế” – ông Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm.

 

Vũ Tự Sinh đã tự viết nên cuộc đời mình bằng sự nỗ lực của bản thân và đồng hành của xã hội.

Trong nắng vàng rực rỡ của những ngày xuân mới, trong ngôi nhà mới khang trang tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, là tiếng cười nô nức của trẻ thơ, là nét mặt hạnh phúc của một người mẹ già đã qua thời gian khó. Vũ Tự Sinh đã tự viết nên cuộc đời mình bằng sự cố gắng của bản thân và sự chung tay của cộng đồng xã hội. Anh hứa sẽ trở lại quê hương trong thời gian sớm nhất, đó không phải là chuyến trở về để báo công, để kể lại cuộc đời mình, mà là sự trở về để tri ân, để cảm ơn những người, những nơi đã cho anh thêm động lực để phấn đấu.

Những ngày xuân vì thế, có lẽ, sẽ thêm ấm áp.

TRUNG THỰC

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI