Tri ân vùng đất Linh Cang

Nhiều hoạt động ý nghĩa tri ân vùng đất anh hùng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh- liệt sĩ  (27.7.1947-27.7.2022) tại thôn Linh Cang xã Bình Phú vừa được Huyện Đoàn Thăng Bình và Hội Khuyến học huyện phối hợp tổ chức. Đặc biệt chương trình có sự giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử để giúp những người trẻ thêm trân quý những hy sinh, mất mát của thế hệ trước để có được nền độc lập, tự do như hôm nay.

 

Đông đảo đoàn viên thanh niên dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Phú

Tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Phú, cán bộ, ĐVTN huyện Thăng Bình kính cẩn nghiêng mình, dâng hoa, thắp  hương, tưởng niệm các anh, các chị, những thế hệ đi trước đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giờ phút thiêng liêng, các đại biểu lãnh đạo cùng toàn thể các bạn đoàn viên đã dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

 

Đoàn viên thanh niên lực lượng công an thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang

Trong khuôn khổ hành trình về thăm “Linh Cang anh hùng- Khu căn cứ Huyện ủy thời chiến”, Huyện đoàn phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức giao lưu truyền thống “Hồi ức Linh Cang”.

 

Giao lưu truyền thống “Hồi ức Linh Cang”.

Trong chiến tranh, Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đóng trên địa bàn thôn Linh Cang, xã Bình Phú được coi là Căn cứ an toàn của cả vùng Tây Thăng Bình- một hậu phương đối với chiến trường rộng lớn của tỉnh.  Thôn Linh Cang, xã Bình Phú trở thành địa bàn quan trọng nối liền giữa chiến trường phía Đông Bắc và Tây Nam của tỉnh và con đường xuyên qua vùng Đồng Linh- Phước Cang đến Tiên Phước trở thành huyết mạch quan trọng nối liền phía Bắc Thăng Bình với phía Nam Tiên Phước, góp phần rất lớn trong việc chuyển quân, liên lạc, tiếp tế cho chiến trường.

Tại chương trình, các bạn đoàn viên thanh niên được giao lưu với các nhân chứng lịch sử- những câu chuyện từ những người trong cuộc tại chính Khu căn cứ Huyện ủy thời chiến. Điều này, giúp những người trẻ không chỉ hiểu thêm về lịch sử, mà còn thêm trân quý những hy sinh, mất mát của thế hệ trước để có được nền độc lập, tự do như hôm nay

Trò chuyện với đoàn viên, thanh niên dưới tán cây xanh trong khu di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình, những hồi ức về vùng đất này với ông Lê Văn Hoạch (SN 1948, thôn Linh Cang, xã Bình Phú, Thăng Bình) cứ như mới hôm qua, mặc cho gánh nặng tuổi tác, tật bệnh. Ông Hoạch tham gia đội du kích thôn Linh Cang khi mới 15 tuổi - thời điểm Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình vừa đóng chân trên địa bàn. Đường từ vùng đông Thăng Bình lên Linh Cang chỉ có một tuyến đường mòn độc đạo ven đập Phước Hà. Giai đoạn 1964, khu vực dưới đập thì địch đã chiếm đóng toàn bộ, Linh Cang trở thành vùng an toàn cho cách mạng, nối liền với vùng giải phóng Sơn – Cẩm – Hà (Tiên Phước). Với địa thế núi rừng bao bọc, Căn cứ Huyện ủy đứng vững sau nhiều đợt càn quét của Mỹ - ngụy. Từ đây, Linh Cang trở thành nơi đào tạo, huấn luyện cho nhiều thanh niên huyện nhà trên con đường tham gia cách mạng”.

Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình đóng tại thôn Linh Cang hơn 11 năm, từ 1964 - 1975, trở thành nơi trú đóng, làm việc an toàn của cơ quan, đơn vị huyện, tỉnh và Quân khu V, được nhà nước khen tặng danh hiệu thôn “Thành đồng”.  Chính tại nơi đây, Huyện ủy Thăng Bình đã đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng để kịp thời lãnh, chỉ đạo các tổ chức Đảng, quân và dân toàn huyện nhà trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, 12.1962, Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ VI.

Để có thành quả cách mạng đáng tự hào ấy, như ông Hồ Thanh Hải – Ban binh vận huyện Thăng Bình giai đoạn (1968 - 1975) khẳng định, đều nhờ nhân dân địa phương đùm bọc, che chở. Ông Hải nói: “Dù địch đánh phá ác liệt, nhưng gần 20 hộ dân vẫn bám trụ lại làng, trở thành những cơ sở cách mạng. Trong nhà chỉ có củ khoai, củ chóc luộc là quý giá nhưng người dân cũng gói ghém, gửi vào cho cán bộ, chiến sĩ, khiến chúng tôi khó quên được”.

Ông Hải đến Linh Cang thực hiện nhiệm vụ khi chỉ mới 16 tuổi. Tình quân – dân nơi đây đã giúp người thanh niên ấy trưởng thành cả trong tư tưởng lẫn chiến đấu. Sau này, ông Hồ Thanh Hải trở thành thành viên Ban cố vấn cho Thường trực Ban Bí thư Trung ương.

Anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ – Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình: “Thăm Căn cứ Huyện ủy Thăng Bình và được giao lưu với nhân chứng lịch sử giúp Tuổi trẻ Thăng Bình hiểu rõ về của mảnh đất Linh Cang anh hùng. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi đoàn viên, thanh niên”.

Hành trình về thăm “Linh Cang anh hùng- Khu căn cứ Huyện ủy thời chiến” do Hội Khuyến học và Huyện đoàn Thăng Bình tổ chức lần này càng có ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947- 27/7/2022) và chào mừng thành công đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Thăng Bình lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2022- 2027.

 

Lãnh đạo huyện Thăng Bình có ông Lê Quang Hạt- Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, bà Phan Thị Nhi- Phó Chủ tịch UBND huyện đến dự,

cùng lãnh đạo các ngành, cơ quan liên quan.

Tại đây, Hội Khuyến học huyện Thăng Bình cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm... chung tay hỗ trợ để trao tặng gia đình chính sách, người có công cách mạng những phần quà nhân ngày Thương binh – liệt sĩ (27.7); tặng học bổng, xe đạp cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thôn Linh Cang với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng.

 

Trao học bổng cho học sinh, sinh viên thôn Linh Cang

Ông Nguyễn Hữu Hiệp – Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thăng Bình tâm sự, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, không thể kể hết những đóng góp của quân và dân thôn Linh Cang đối với cách mạng. Nhìn lại lịch sử hào hùng ấy, bằng tình cảm tri ân vô hạn, thế hệ hôm nay chỉ muốn góp sức xây dựng Linh Cang ngày thêm khởi sắc thông qua những phần việc thiết thực.

Ông Trương Công Đức – Bí thư Chi bộ thôn Linh Cang nói, năm 2018, Hội Khuyến học huyện Thăng Bình tổ chức kết nghĩa với thôn Linh Cang. Từ đó đến nay, Hội Khuyến học huyện đã nhận đỡ đầu con em có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức trao quà, học bổng với tổng giá trị hơn 140 triệu đồng.

Bên cạnh đó, 2 đơn vị kết nghĩa còn thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với thất học, nói không với đói nghèo và nói không với tội phạm”. Nhờ đó, thôn không có học sinh bỏ học, nhiều con em từ các nguồn học bổng đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và thành đạt khi ra trường. Hoạt động kết nghĩa này đã và đang góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng Linh Cang trở thành Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Linh Cang (xã Bình Phú, Thăng Bình) có hơn 730 người dân và chiến sĩ đã chết, hy sinh; 33 Mẹ Việt Nam anh hùng được phong và truy tặng; 92 gia đình liệt sĩ, 75 gia đình có công với cách mạng và 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang. Hiện nay, thôn Linh Cang có 24 gia đình thờ liệt sĩ và 11 gia đình có công với cách mạng.

GIANG BIÊN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI