Thăng Bình phát sinh nhiều vấn đề trong việc điều tra thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Huyện Thăng Bình đang triển khai việc thu thập thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề cần phải được linh hoạt giải quyết.

Phiếu thu thập thông tin dân cư bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tình trạng hôn nhân; Tôn giáo; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Nhóm máu; Số định danh cá nhân hoặc CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ và số hồ sơ hộ khẩu. Đối với Bình Sa, việc thu thập thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện từ đầu tháng 8.2018. Khi công dân đến thực hiện việc thu thập, công an xã phát phiếu thu thập thông tin để kê khai. Sau đó, công an xã kiểm tra, đối sánh thông tin, hoàn thiện và thu phiếu. Tuy nhiên theo ông Phan Văn Bảy- Phó Trưởng Công an xã Bình Sa, đối với những công dân không có ngày, tháng sinh trên sổ hộ khẩu và CNND thì công an xã kiểm tra hồ sơ gốc lưu lại tại cơ quan. Nếu hồ sơ gốc có ngày, tháng sinh, công an xã điền trực tiếp vào sổ hộ khẩu và đóng dấu xác nhận. Nhưng, trong trường hợp công dân không có ngày, tháng sinh trong tàn thư gốc thì buộc phải qua Tư pháp xã để làm lại giấy khai sinh. Qua kiểm tra toàn xã Bình Sa có đến 2.000 người không có ngày, tháng sinh lưu trong hồ sơ gốc nên buộc phải làm lại giấy khai sinh. Cũng theo ông Bảy, những trường hợp này sẽ được mặc định là sinh ngày 1 tháng 1.

Liên hệ với cán bộ tư pháp xã, để tạo thuận lợi cho công dân, thời gian qua, ngành Tư pháp xã đã tích cực phối hợp với công an xã trong quá trình điều tra thu thập thông tin. Theo đó, Tư pháp xã đã tiến hành làm lại giấy khai sinh cho 800 công dân. Tuy nhiên, còn một số trường hợp khi kê khai lại không nhớ quê quán, ngày, tháng sinh của cha mẹ đẻ, thậm chí là của bản thân.  Phức tạp hơn, họ lại là những người ở các tỉnh phía Bắc vào địa phương định cư lâu dài. Do đó, cần phải có thời gian xác minh. Đặc biệt, hiện nay đối với những trường hợp kê khai làm lại giấy khai sinh nhưng chỉ nhận bản sao, còn bản chính vẫn chưa nhận do thiếu phôi.

Sau khi công dân tiến hành làm giấy khai sinh thì buộc phải làm lại chứng minh nhân dân để giao dịch ngân hàng, nhất là khám chữa bệnh. Hiện việc làm Chứng minh nhân dân chỉ có một điểm duy nhất là Công an huyện Thăng Bình. Ông Nguyễn Văn Hoàng 70 tuổi, thôn Trà Long (xã Bình Trung) cho biết, mặc dù bản thân ông đã làm lại giấy khai sinh được hơn 1 tháng nay, chỉ cần đem sổ hộ khẩu ra Công an huyện Thăng Bình là có thể làm được chứng minh nhân dân. Nhưng, do bản thân ông lớn tuổi, con cái lại đi làm ăn xa nên không thể đến trực tiếp cơ quan Công an huyện để làm. Ông Hoàng cũng bày tỏ mong muốn, Công an huyện Thăng Bình sẽ về  tại nhà văn hóa thôn để những người lớn tuổi như ông có thể sớm làm lại chứng minh nhân dân.

Phát sinh nhiều vấn đề trong việc điều tra thu thập thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Theo thông tin từ Phòng Tư pháp huyện Thăng Bình,  toàn huyện đến 70.000 người không có ngày, tháng sinh trong hộ khẩu. Trong đó một nửa trong số này có thể có ngày, tháng sinh trong tàn thư gốc lưu ở công an địa phương hoặc công an huyện. Thời gian qua, Phòng đã phối hợp với các địa phương, công an huyện để điều tra, thu thập thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ông Nguyễn Tấn Hùng-  Chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Thăng Bình cho biết, đối với trường hợp công dân không phải quê quán gốc ở địa phương mà các địa phương đề nghị Phòng giải quyết,  Phòng đã trả lời, các địa phương cần gửi hồ sơ về các xã để xác minh lý lịch. Nếu trong thời gian 5 ngày, cơ quan chức năng, nơi công dân từng sinh sống không trả lời thì buộc công dân phải viết đơn cam kết đã từng sinh sống ở đó. Có như vậy, tư pháp các xã mới có căn cứ để làm các thủ tục tiếp theo để cấp giấy khai sinh. cũng cho biết thêm, những năm trước, mỗi năm, mỗi địa phương chỉ đăng ký khoảng 400  giấy khai sinh gốc. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay do nhu cầu làm lại giấy khai sinh tăng cao nên đã xảy ra tình trạng thiếu phôi giấy khai sinh chính” - ông Nguyễn Tấn Hùng nói.

Theo Thượng tá Phan Văn Ngạt- Phó Trưởng công an huyện Thăng Bình, thời gian qua công an huyện ấn định làm lại chứng minh nhân dân vào thứ 2 và thứ 6 trong tuần. Tuy nhiên do việc thu thập lại thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, một số trường hợp không có ngày tháng sinh trong tàn thư gốc nên buộc phải làm lại chứng minh nhân dân để thuận tiện trong việc giao dịch khác nên người dân đi làm CMND tăng đột biến. Công an huyện cũng đã phân công lực lượng tăng cường, đảm bảo thuận tiện cho người dân làm lại thủ tục.  Đối với những trường hợp bị bệnh tật không đi lại được, nếu người thân yêu cầu, tổ làm chứng minh nhân dân huyện Thăng Bình sẵn sàng đến tận nhà để làm. “Mỗi năm, Công an huyện Thăng Bình đều có kế hoạch  luân phiên đến từng thôn, xã để làm lại chứng minh nhân dân, nên ai cần CMND để giao dịch thường xuyên thì phải đến trực tiếp công an huyện để làm lại theo đúng quy định” - ông Ngạt nói .

Giang Biên

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI