Sinh viên miền biển chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động

Đam mê với công nghệ và đồng hành cùng địa phương chung tay phòng, chống dịch Covid- 19, cậu sinh viên năm 2, trường Đại học Duy Tân, Nguyễn Tấn Quý (xã Bình Minh) đã áp dụng những kiến thức được học, nghiên cứu chế tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động. Mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả tích cực, được sử dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện.

 

Những ngày này, Quý lắp đặt mạch để làm máy rửa tay sát khuẩn hỗ trợ các địa phương

          Cơ duyên để Quý chế tạo ra máy rửa tay sát khuẩn tự động rất tình cờ. Những ngày được tạm nghỉ học về quê, cậu sinh viên khoa Cơ điện tử trường Đại học Duy Tân thấy Hội LHPN xã Bình Minh lắp đặt trạm rửa tay tại chợ. Quý thấy việc rửa tay như vậy rất phức tạp mà hiệu quả lại không cao, đặc biệt còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có trường hợp bị nhiễm bệnh. Sau 2 ngày mày mò, máy rửa tay sát khuẩn tự động ra đời dựa theo nguyên lý hoạt động rất đơn giản cho người dùng. Chỉ cần đưa tay vào, cảm biến nhận được sẽ gửi về bộ xử lý trung tâm, từ đó, bơm dung dịch sát khuẩn một lượng vừa đủ cho người dùng sau đó tự động ngắt. Quý kể, làm máy này, quan trọng là mạch xử lý trung tâm, Quý phải vẽ mạch và mua linh kiện về lắp. Cùng với đó, máy cần phải có nguồn để mạch hoạt động, máy bơm để bơm dung dịch, đầu phun và cảm biến nhận dạng khi có người rửa tay. Nói ra thì rất đơn giản nhưng để làm được chiếc máy mà chính mình hài lòng  thì đó là quãng thời gian, tháo đi lắp lại không biết bao nhiêu lần. Bởi, máy chỉ bơm trong 1-3 giây, tránh trường hợp lãng phí dung dịch sát khuẩn. Cùng với đó, máy của Quý không sử dụng hệ thống phun sương, theo Quý lý giải, cồn mà phun sương thì rất nguy hiểm, nếu có nguồn nhiệt dễ cháy nổ nên phải sử dụng phương thức nhỏ giọt. Những chiếc máy đầu tiên em chế tạo ra đã được hỗ trợ cho địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Tấn Quất- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh đánh giá rất cao hiệu quả của chiếc máy này, góp phần rất lớn trong việc nâng cao nhận thức cho nhân dân trên địa bàn. “Em Quý đã áp dụng kiến thức học được ở trường, cho ra mô hình rất hữu ích. Ở địa phương hiện nay, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thì việc lắp đặt mô hình này rất trực quan, hiệu quả hơn.”- ông Nguyễn Tấn Quất nói.

          Hiện nay, máy rửa tay sát khuẩn tự động của Quý đã có mặt ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Tất cả đều phi lợi nhuận. Bởi, theo Quý chia sẻ, được hỗ trợ cho bà con quê mình đã là niềm vui rất lớn. Bao năm gắn bó với đam mê về điện tử, đến lúc này, Quý mới có dịp được phục vụ cho quê nhà. Kể về niềm yêu thích từ nhỏ của mình, Quý cho biết: “Em có năng khiếu vẽ, lên cấp 3, em đam mê robot, điện tử nên đăng ký vào trường ĐH Duy Tân để thỏa mãn đam mê. Vào đại học, năm nhất, em thi thiết kế mạch ở trường và đoạt giải Nhì; năm 2 em thiết kế vườn chăm sóc cây tự động qua smartphone và cũng đoạt giải Nhì cấp trường.”

          Khi nghe những thành tích sáng giá ấy, ít ai biết được để có thể theo đuổi được đam mê này, Quý đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Bởi, cậu sinh viên sinh năm 2000 ấy đã sớm mất ba từ năm lớp 1. 5 anh chị em Quý dựa cả vào một vai mẹ. Mẹ của em như bao người phụ nữ Chanchu khác đã phải gánh gồng để nuôi các con ăn học thành người. Giọng cậu bé chùng hẳn xuống khi kể về mẹ, bởi, Quý thấu hiểu được những tảo tần, hy sinh của mẹ. Tuổi thơ của Quý là chuỗi ngày chứng kiến mẹ trải qua rất nhiều công việc khác nhau, khi thì buôn cá, bán mắm, khi thì làm công nhân. Có lẽ, sinh ra trong cơ cực nên em càng ý thức hơn, bản thân phải nỗ lực để đền đáp lại công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của mẹ cha.

          Miệt mài theo đuổi đam mê với ước mong một ngày gần nhất có thể đỡ đần, bù đắp những vất vả của mẹ. Nguyễn Tấn Quý vẫn đang cố gắng ra sức học tập. Đạt được thành tích tốt trong học tập, có một công việc ổn định, giúp ích được cho bản thân, gia đình và xã hội là điều mà cậu sinh viên miền biển vẫn hằng tâm niệm.

THU SƯƠNG - MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI