Phòng trừ dịch hại lúa đông xuân giai đoạn trổ - chín

Hiện nay, lúa đông xuân 2021 - 2022 đang giai đoạn trổ - chín, lúa sạ muộn đang giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên hiện nay trên đồng ruộng rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn lá - cổ lá - cổ bông, bệnh khô vằn phát sinh gây hại. Ngoài ra, với điều kiện thời tiết sáng có sương mù, mưa nắng xen kẻ, nhiều khả năng các đối tượng như rầy, đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt sẽ gây hại mạnh và cháy chòm trong thời gian tới.

 

Nông dân đặt mồi dọc theo đường đi, hang ổ chuột để diệt chuột.

Ông Hồ Ngọc Quảng – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, để quản lý tốt rầy nâu, rầy lưng trắng, đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt hại lúa giai đoạn trổ - chín... bà con cần tiếp tục chăm sóc, giữ mực nước trong ruộng hợp từ 5 – 7 cm, không để ruộng khô hạn, kết hợp nhổ, cắt bông cỏ dại. Đối với các chân ruộng bị khô đầu lá, vàng lá sinh lý cần cho nước vào ruộng, những chân ruộng bị nặng, chưa bón phân, thiếu dinh dưỡng cần bón phân thúc đòng kịp thời, có thể bổ sung thêm phân bón qua lá, các loại phân bón rướt đòng để giúp cây lúa phục hồi nhanh, trổ thoát, hạt vào chắc.

Hiện tại rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại rãi rác ở một số địa phương như: Bình Tú, Bình Trung, Bình Chánh, Bình Bịnh Nam, Bình Định Bắc…, mật độ bình quân từ 90 - 150 con/m2, nơi cao 300 - 500 con/m2; phổ biến giai đoạn rầy non, trưởng thành. Bà con cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ ruộng lúa ngay trong giai đoạn trổ - chín để kịp thời phát hiện rầy. Vạch gốc lúa để kiểm tra, khi rầy có mật độ bình quân từ 2 con/dảnh lúa (khoảng 2000 con/m2) trở lên thì dùng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu để phun trừ. Để đạt hiệu quả diệt trừ cao, khi phun thuốc trừ rầy cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”.Giai đoạn lúa chắc xanh đến chín sáp khi phun thuốc phải vạch gốc lúa theo hàng và dùng vòi phun trực tiếp vào các gốc lúa có rầy mới cho hiệu quả. Trước khi phun nên đưa nước vào ruộng ở mức 3 - 4cm để tiêu diệt được nhiều rầy.

Ngoài ra, bọ xít đen phát sinh gây hại quanh bờ trên một số cánh đồng thuộc các xã vùng Tây và vùng Trung như Bình Chánh, Bình Quế, Bình Tú, Bình An, Bình Định Nam, Bình Định Bắc…, diện tích gây hại 20ha, chủ yếu bọ non và trưởng thành, bà con cần chú ý kiểm tra phần gốc lúa, nếu mật độ cao >10con/m2 có thể sử dụng các loại thuốc phun trừ bọ xít đen như các loại thuốc trừ rầy.

          Bệnh đạo ônlá, cổ lá, cổ bông phát sinh gây hại tại các xã Bình Trung, Bình Đào, Bình Tú, Bình Định Nam, Bình Sa, Bình Giang, Bình Chánh, thị trấn Hà Lam… trên các giống như BC15, KD18, TBR225, ML48, 13/2, Xi23… diện tích nhiễm đạo ôn lá, cổ lá là 33ha, tỷ lệ bệnh 2,5 – 5%, cục bộ nơi cao 10 – 20%.  Đối với ruộng lúa giai đoạn làm đòng đã bị bệnh đạo ôn lá, cổ lá gây hại, cần tiếp tục theo dõi và xử lý thuốc hóa học với liều lượng theo khuyến cáo trên nhãn, chú ý phun đủ lượng nước, phun ướt đều mặt lá. Ruộng bị bệnh đạo ôn lá cần phải có nước hoặc đủ ẩm, ruộng bị khô hạn bệnh càng nặng; hạn chế việc bón phân đạm, phân kaly khi lúa đang bị đạo ôn lá. Chỉ bón phân sau khi phun thuốc và trên lá mới không còn vết bệnh. Tuyệt đối không hỗn hợp thuốc phòng trừ đạo ôn với phân bón qua lá, thuốc kích thích sinh trưởng.

Ông Hồ Ngọc Quảng khuyến cáo: đối với ruộng lúa giai đoạn trổ - chín sữa, bà con cần kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện bệnh. Khi xác định trên ruộng có vết bệnh trên cổ bông thì tiến hành dùng thuốc để phun trừ. Đối với các giống lúa nhiễm bệnh như: BC15, KD18, 13/2, Xi23, ML48, TBR225… trước hoặc sau khi trổ 5 - 7 ngày, tiến hành dùng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Filia 525 SE, Beam 75 WP,... để phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Tốt nhất nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa trổ lác đác.

Ngoài ra, chuột tiếp tục gây hại trên nhiều cánh đồng, tại các xã như: Bình Sa, Bình Phục, Bình Giang, Bình Hải, Bình Đào, Bình Dương, Bình Nam, Bình Tú, Bình Phục, Bình Nguyên, thị trấn Hà Lam,... tỷ lệ hại 3 - 5%, cục bộ nơi cao 10 - 20%. Theo ông Hồ Ngọc Quảng thì bà con có thể tiến hành diệt chuột bằng nhiều biện pháp gồm biện pháp như thủ công, sinh học, hóa học. Ưu tiên diệt chuột bằng biện pháp thủ công như bẩy lồng, bẩy kẹp, bẩy ống tre, bẩy bán nguyệt hoặc bà con có thể kết hợp việc sử dụng bả độc bằng thuốc hóa học để diệt chuột.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI