Những người lính trên tuyến đầu chống dịch

Không chỉ là lực lượng nòng cốt trong các tổ đội tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự tại các khu tiếp nhận, cách ly y tế, trong thời gian này, Ban CHQS huyện Thăng Bình còn đảm nhận thêm công tác hậu cần, mỗi ngày phải nấu trên 1.000 suất thức ăn để cung cấp cho các công dân tham gia cách ly. Những công việc của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Thăng Bình đang thực hiện,  đã tạo được ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với Cấp ủy, Chính quyền và nhân dân địa phương về hình ảnh người lính Cụ Hồ.

 

Lực lượng chiến sĩ Ban CHQS huyện Thăng Bình tham gia nấu ăn phục vụ công dân tham gia cách ly

Từ khi các khu cách ly của huyện Thăng Bình bắt đầu tiếp nhận công dân, vào đầu giờ sáng mỗi ngày, công việc của Đại úy Phan Văn Liêm- Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật của Ban CHQS huyện Thăng Bình, là gọi điện đến từng khu cách ly lấy số lượng công dân để triển khai nấu ăn. Khu nào bao nhiêu người, có bao nhiêu trẻ em, người già, hôm nay ăn chay hay là mặn, Đại úy Liêm đều ghi cẩn thận vào sổ theo dõi để tổ hậu cần chế biến phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đại úy Liêm cũng cho hay, từ đầu tháng 8 đến nay, các công dân tham gia cách ly khá đông. Mỗi giờ trôi qua, con số luôn biến động, do vậy có khi đầu giờ báo cơm là vậy, đến trưa hay chiều lại thay đổi. Vì thế chúng tôi phải nắm chắt số lượng để nấu thức ăn cho đủ, đúng. Có như thế bà con mới an tâm tham gia cách ly.

 

Những suất cơm trước khi được đưa đến các khu cách ly, Ban CHQS huyện tiến hành kiểm tra, giám sát

Thức dậy từ 4h sáng, làm miệt mài đến 21h giờ đêm cùng ngày mới ngơi nghỉ. Đó là công việc của tổ hậu cần thuộc Ban CHQS huyện. Thượng úy Phạm Ngô- Nhân viên quản lý nuôi quân Ban CHQS huyện Thăng Bình cho hay, anh mới được chuyển về lại tổ hậu cần hơn 1 tuần nay, bởi trước đó anh đã tham gia phục vụ tại  khu cách ly ở trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 5. Tổ hậu cần của Ban CHQS huyện Thăng Bình gồm có 15 thành viên, mỗi ngày nấu trên 1.000 suất thức ăn. Để công dân ăn hết khẩu phần, tổ hậu cần buộc phải đưa ra nhiều tiêu chí để các món ăn thêm phong phú và giàu dinh dưỡng. Nhất là khu cách ly có trẻ nhỏ nên mỗi ngày phải nấu thêm cháo cho các em.

Trạm Y tế thị trấn Hà Lam là khu cách ly đầu tiên của huyện Thăng Bình sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Ở khu này có 8 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ gồm công an, quân sự và y tế. Điều đáng nói, 5 ca dương tính trên địa bàn huyện trước khi đưa vào điều trị tuyến trên đã ở đây từ 1 đến 2 ngày. Cường độ công việc lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, song các lực lượng ở đây luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đại úy Nguyễn Văn Pôn- Nhân viên quân sự địa phương Ban CHQS huyện Thăng Bình cho biết, lần đầu tiên tham gia phòng chống dịch còn rất bỡ ngỡ. Khi có kết quả dương tính với 5 trường hợp đã tham gia cách ly tập trung, anh em chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đây tỏ ra hết sức lo lắng, thậm chí nhiều anh em mất ăn, mất ngủ. Nhưng rồi anh em chiến sĩ được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 có kết quả âm tính, tất cả đều vui mừng vỡ òa. Sau 3 lần tiếp theo xét nghiệm cũng âm tính, chúng tôi vui lắm.

“Sau 14 ngày, những công dân tại khu cách ly Trạm Y tế thị trấn Hà Lam đã trở về với cuộc sống thường nhật. Còn chúng tôi vẫn chưa thể trở về nhà, mà ở lại cơ quan làm tiếp những việc còn dang dở và cùng với anh em, đồng đội sẵn sàng trực chiến”- Đại úy Nguyễn Văn Pôn- Nhân viên quân sự  địa phương Ban CHQS huyện Thăng Bình dặn lòng.

Trung tá Phạm Văn Phước- Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thăng Bình cho hay: Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, Ban CHQS huyện Thăng Bình đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp trong phòng, chống dịch, đồng thời tham mưu cho UBND huyện giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan và trực tiếp điều hành lực lượng tiếp nhận, quản lý tại 3 khu cách ly của huyện; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên qua nắm chắc tình hình, số lượng công dân từ nước ngoài về nước, đang sinh sống, làm việc trên địa bàn;  phối hợp với Phòng Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm, chăm sóc y tế cho công dân cách ly, xử trí hiệu quả các vấn đề về y tế đối với các bệnh nhân theo chuyên ngành, làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện chặt chẽ quy trình giám sát, xử lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo quy định. “ Công việc nhiều, áp lực vì thế cũng tăng cao nhưng cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với tinh thần và quyết tâm cao nhất”- Trung tá Phước khẳng định./.

TRUNG THỰC – GIANG BIÊN 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI