Nhìn từ mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”

       Hướng dẫn các kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ trong gia đình, ngăn ngừa tình trạng bạo lực ở các gia đình, chia sẻ những kiến thức kinh nghiệm trong cuộc sống vợ chồng, chăm sóc người già và trẻ em,… đang là những việc làm hết sức cụ thể mà những cặp vợ chồng ở khu phố 1, thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) thực hiện trong nhiều năm qua khi tham gia mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”. Điều này, đã mang lại những hiệu quả ban đầu.

 

Ban Chủ nhiệm mô hình bàn bạc kế hoạch, nội dung trước mỗi buổi sinh hoạt.

Mới đây, một buổi sinh hoạt hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28.6) của mô hình “Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình” đã được tổ chức. Có 25 cặp vợ chồng đến đây với những hoàn cảnh và cuộc sống khác nhau, nhưng tựu trung lại, đó là họ mong muốn được chia sẻ, tìm hiểu thêm những kinh nghiệm trong dạy dỗ con cái, đối xử vợ chồng, thuận hiếu với cha mẹ, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, những người được gọi là “người giữ lửa” cho tổ ấm của mình. Tham gia mô hình từ ngày thành lập, chị Trần Thị Tuyết Mai (khu phố 1, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) chưa bỏ lỡ bất kỳ một đêm sinh hoạt nào. “Không chỉ chia sẻ cách giáo dục con trẻ hiếu thảo với ông bà bố mẹ, mà khi đến đây, chúng tôi luôn tạo ra sự đoàn kết giữa các gia đình cũng như là thành phần của xã hội, giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, yêu thương nhau hơn” - chị Mai nói.

Trong hai năm 2014 - 2016, khu phố 1, thị trấn Hà Lam có 7 cặp vợ chồng ly hôn, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bạo lực gia đình do người chủ hộ mang tính gia trưởng, sa vào tệ nạn xã hội. Từ thực tế đó, vào cuối năm 2016, thị trấn Hà Lam quyết định thành lập mô hình “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”, do Bí thư chi bộ khu phố làm chủ nhiệm mô hình, thành viên là các tổ chức hội đoàn thể, mặt trận. Nội dung tuyên truyền không đâu xa, mà đã được những thành viên chia sẻ cụ thể trong việc ứng xử giữa cha mẹ với con cái, ông bà với con cháu, trong mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm. Ông Trần Văn Ý - Bí thư chi bộ khu phố 1, thị trấn Hà Lam, kiêm chủ nhiệm mô hình cho hay, điều đáng mừng từ khi thành lập đến nay, không có trường hợp gia đình nào trong khu phố xảy ra mâu thuẫn. Đặc biệt là chúng tôi đã hàn gắn được 3 cặp vợ chồng có ý định ly hôn vì bạo lực gia đình, vận động được bà con trong khu phố giữ gìn thuận hòa trong làm ăn buôn bán. Vì vậy mà tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm ở khu phố chúng tôi luôn đạt trên 95%, đứng đầu thị trấn Hà Lam. Ông Ý cũng cho biết, tất thảy những thành viên tham gia mô hình đều rất mong muốn duy trì hoạt động, vì có tác dụng rất lớn trong xã hội. “Có rất nhiều vấn đề như mâu thuẫn gia đình, tệ nạn xã hội, nên khi anh em tham gia sinh hoạt, thì ít nhiều sẽ thấm nhỏ ra ngoài. Còn trong nhân dân, thì cũng nhờ người lớn tuổi, ví dụ như vợ chồng sinh ra thế này thế khác thì nhân dân cũng có thể động viên” - ông Trần Văn Ý nói.

             Có thể nói, trước tình trạng ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em có chiều hướng gia tăng, thì việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được xem là giải pháp hữu hiệu, có tính chất nền tảng tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong gia đình thời điểm hiện nay. Bà Võ Thị Phước - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam khẳng định, việc duy trì hoạt động của mô hình này không chỉ là không gian văn hóa để các thành viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mà còn là nơi lý tưởng để mỗi người tự trau dồi những kiến thức, sự hiểu biết để xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. “Mô hìnhnày theo đánh giá đã hoạt động hiệu quả và địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, cũng như đề nghị huyện, tỉnh quan tâm để tiếp tục duy trì mô hình và đi vào hoạt động hiệu quả hơn” - bà Võ Thị Phước nói.

THÀNH CHÂU - MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI