NHÌN TỪ CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA

Năm 2021 vừa qua là nămđầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025),cũng là năm tiếp tục đầy khó khăn thách thức, khi mà đại dịch Covid-19 xâm nhập trực tiếp vào địa bàn huyện Thăng Bình. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống Nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Song, với sự chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND huyện, sự đồng hành, đồng tình đầy trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp, cùng với sự điều hành chủ động của UBND huyện phù hợp với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đến nay huyện Thăng Bình đã thực hiện hoàn thành mục tiêu kép.

 

  (Nhiều tuyến đường được xây dựng, mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương)

Từ năm 2020 – 2021, trải qua 4 đợt dịch với diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế và đời sống của Nhân dân trên địa bàn huyện. Trước tình hình này, cả hệ thống chính trị của huyện Thăng Bình đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt ngay từ khi phát hiện có ca dương tính hoặc các trường hợp F1, F2. Đã tiến hành thành lập và vận hành khu cách ly tập trung gồm 11 khu cách ly do huyện quản lý với tổng số 1.470 giường. Thành lập 20 khu CLTT tại địa phương với tổng số 1.443 giường. “Toàn bộ công nhân viên chức của đơn vị đã nỗ lực hết mình, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng của trung tâm y tế thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong suốt các ngày nghĩ. Trong những ngày tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị cũng phải huy động các ekip y tế tham gia tích cực trong các khu cách ly trên địa bàn, dù thời gian gần đây, số ca dương tính trên địa bàn vẫn tiếp tục tăng cao, song tình hình dịch bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát”- Bác sĩ Đoàn Văn Sen, PGĐ phụ trách TTYT huyện nói.

 

(Người dân cũng luôn chủ động khai báo y tế và xét nghiệm)

Cũng trong năm 2021 vừa qua, Thăng Bình đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 theo đúng tinh thần Nghị quyết của Chính Phủ và tỉnh Quảng Nam. Cụ thể:Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 38 người, số tiền 148,285 triệu đồng; Hỗ trợ người lao động ngừng việc cho 31 người, số tiền 46 triệu đồng, hỗ trợ thêm cho người lao động đang chăm sóc con nhỏ 15 triệu đồng; Hỗ trợ tiền ăn cho 502 đối tượng đang cách ly tập trung tại các khu cách ly với số tiền là 536,320 triệu đồng, hỗ trợ 531 trẻ em là F0, F1 với số tiền 531 triệu đồng; Hỗ trợ kinh doanh cho 33 hộ kinh doanh với số tiền 99 triệu đồng; Hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động, một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 cho 386 lao động bị mất việc, với số tiền: 375,400 triệu đồng; chi phí có liên quan cho các đối tượng cách ly tập trung đối với 396 người, hỗ trợ 328,34 triệu đồng.

 

(Với những chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vẫn giữ chân và thu hút

rất nhiều công nhân làm việc)

Cũng trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong khi một số doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động một thời gian, thì công ty TNHH Garmex Quảng Nam, đã linh động tìm kiếm thị trường. Dù vẫn có những đơn hàng xuất đi châu Âu đã hủy, song công ty đã chủ động có được đơn hàng với Amazon kéo dài trong 3 năm. Với 1.100 lao động đang làm việc, công ty vẫn đang tiếp tục tuyển thêm công nhân với những chế độ ưu đãi đặc biệt, qua đó giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Ông Lại Hồng Minh, giám đốc Công ty TNHH Garmex Quảng Nam cho hay: Chúng tôi luôn chú trọng đến đời sống của công nhân đặc biệt là chế độ chính sách như bảo hiểm đầy đủ, người lao động vào nhà máy sẽ được ký hợp đồng ngay để họ yên tâm, rồi duy trì các thưởng cho công nhân vào các ngày lễ, tết. “ Như tết năm 2021 vừa qua, chúng tôi đã thưởng cho mỗi công nhân bình quân từ 10 đến 12 triệu đồng, và luôn luôn động viên, thăm hỏi đến gia đình các công nhân”- ông Minh khẳng định.

Cùng với đó,phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Chương trình tại các địa phương.

 

(Người dân tham gia xây dựng Nông thôn mới bằng những phần việc cụ thể)

Đến nay, có 16/20 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 80%. Cũng trong năm qua, xã Bình Dương đã hoàn chỉnh hồ sơ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn huyện là 17 xã đạt 85%. Từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện nhà như khoác lên minh màu áo mới. Ông Phan Thanh Tùng, Bí thư chi bộ thôn Lạc Câu ( Bình Dương) cho biết: Trước đây, diện mạo nông thôn khác lắm, hộ nghèo trong thôn hơn 5%. Khi bắt tay vào xây dựng, người dân chúng tôi tham gia hết sức tích cực, 100% tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, rồi các phong trào chung của địa phương.“ Cái được nhất là nhân dân đã nâng cao được nhận thức và hiểu rằng, họ chính là chủ thể của Nông thôn mới“- ông Tùng khẳng định.

Đối với Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội cũng tổ chức các phong trào thi đua theo từng lĩnh vực được giao như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc, giúp nhau phát triển toàn diện; phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân; phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu của Hội cựu chiến binh hay phong trào thi đua“Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”của Đoàn thanh niên.

 

(Ngay từ đầu năm 2022, công tác chăm lo cho hộ nghèo đã được Mặt trận và các đoàn thể quan tâm thực hiện)

Phong trào thi đua“Quảng Nam chung tay vì người nghèo – Không để ai bỏ lại phía sau” trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo tại mỗi địa phương. Người nghèo được hỗ trợ cải thiện điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn với các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm và tăng thu nhập; các nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng.

 

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đặc biệt quan trọng. Do vậy,cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Thăng Bình rất quan tâm, cùng vào cuộc tích cực với Mặt trận để chăm lo cho người nghèo. Tính đến ngày 25/12/2021, Quỹ“Vì người nghèo” của huyện vận động được 2.100.189.568 đồng. Từ nguồn huy động được, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình đã hỗ trợ xây dựng mới 42nhà, sửa chữa 53nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho 50gia đình nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, trong dịp tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư (18/11), Ban vận động quỹ vì người nghèo huyện đã trao 70 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.Góp phần cùng với toàn huyện giảm 274 hộ nghèo so với năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, đạt 196% chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy, HĐND huyện đề ra và vượt 161% so với chỉ tiêu UBND tỉnh giao (105 hộ). Đối với chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022 – 2025, toàn huyện còn 1.500 hộ nghèo, giảm 250 hộ nghèo so với năm 2020.

 

(Chuyển đổi số sẽ góp phần rất lớn vào công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương)

Công tác cải cách hành chính năm 2021 đã được huyện Thăng Bình quyết liệt triển khai. Đến nay, tất cả các ban ngành, địa phương đã sử dụng phần mềm điều hành công việc Q-office; tất cả các xã, thị trấn và cấp huyện đã sử dụng phần mềm một cửa điện tử; trong năm qua, huyện cũng đã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến 22 địa phương, phục vụ kịp thời cho công tác triển khai nhiệm vụ trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.  Đặc biệt, năm 2021, Thăng Bình là địa phương đứng vị thứ 3/18 huyện thị thành phố về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác điều hành của chính quyền và người dân, doanh nghiệp.

 

(Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và địa biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra thành công)

Năm 2021 là năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. UBND huyện đã tổ chức phát động thi đua trong toàn huyện, qua đó các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo và đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn huyện với kết quả toàn huyện đã bầu được 34 đại biểu HĐND huyện và 557 đại biểu HĐND xã. Theo đánh giá, các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử của huyện là đúng kế hoạch, đúng trình tự theo quy định. Công tác chuẩn bị bầu cử được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Bầu cử huyện, xã triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, khẩn trương, đúng tiến độ, đúng quy định.

Với sức lan tỏa từ phong trào, trong năm 2021, Thăng Bình có 01 tập thểvinh dựđược tặng cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; 3 đơn vị nhận cờ thi đua của Chủ tịch UBND tỉnh, 8 tập thể được công nhận danh hiệu lao động xuất sắc và nhiều tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua các cấp, đơn vị dẫn đầu khối cụm của huyện. Đây chính là động lực to lớn để thúc đẩy phong trào thi đua của huyện nhà trong thời gian đến.

Năm 2022, là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của huyện. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen; dịch COVID-19 có thể kéo dài, nguy cơ xuất hiện chủng mới phức tạp, cùng với diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và cuộc sống người dân, nhưng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tinh thần chủ động sáng tạo, bám sát các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương, tin tưởng rằng phong trào thi đua sẽ ngày cànglan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa huyện nhà ngày càng phát triển./.

THÀNH CHÂU - MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI