Nghệ nhân trong lòng dân
- Chi tiết
- Chuyên mục: VĂN HÓA - XÃ HỘI
- Lượt xem: 322
Ông Nguyễn Tấn Hòa, ở thôn 4, xã Bình Triều vốn là cán bộ văn hóa xã với hơn 40 năm cống hiến cho quê hương ở vùng quê Chợ Được giàu truyền thống văn hóa. Chỉ một chữ “yêu” thôi mà dòng sữa dân ca cứ thế cùng ông đi qua bao năm tháng cuộc đời để rồi người dân nơi đây khai sinh thêm cho nghệ nhân này cái tên “Bốn Hòa dân ca”. Và, khi ở vào tuổi xế chiều, ông vẫn say mê hát, say mê sáng tác và lan tỏa đam mê về những khúc dân ca quê hương cho thế hệ trẻ.
“Quê hương tôi chợ Được, Bình Triều, quê hương vùng cát trắng, nơi đây có dòng sông Trường Giang, có chợ, một nơi mà nông nghiệp thuần nông, bản thân tôi cũng là một người làm nông bình thường nhưng đặc biệt, tôi yêu văn nghệ quần chúng. Mà, trong văn nghệ quần chúng không thể đem kịch nói mà phục vụ, phải có dân ca, tiếp thu dân ca, học hỏi dân ca để rồi áp dụng cho mình, tự sáng tác để phục vụ cho mọi người.”- ông Hòa mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Dường như những làn điệu dân ca về quê hương, đất nước đã gắn với ông Hòa như là tri kỷ, là “nhựa sống” của mình. Ngày còn nhỏ, được đẫm mình trong những làn điệu hò khoan đối đáp đậm chất quê hương của mẹ, nó thấm dần vào tâm hồn non trẻ trong ông tự bao giờ. Sau này, hễ có buổi biểu diễn nào của đoàn ca kịch Quảng Nam thì cho dù bụng đói, chân đất ông cũng chen chân để được đứng ngay hàng đầu. Theo dõi các anh, các chị diễn, để rồi ông càng thêm say mê những làn điệu dân ca ấy. Chỉ học đến lớp 4 nhưng nói về dân ca thì ông có thể kể vanh vách tên và đặc điểm của từng làn điệu như lý mo xảo, lý tân tích, lý vọng phu, lý thượng, lý đồng nai, lý thương nhau,... Tất cả đều là nhờ các “thầy” đoàn dân ca kịch chuyển tải mà ông học lỏm. Các anh chị hát ở trên, ông ở dưới sân khấu nghe và đánh nhịp theo. Với ông, mỗi một làn điệu đều có sức chuyển tải ghê gớm, in sâu vào lòng người. Nhiều câu hò khoan đối đáp, bây giờ người hát có thể đã thành đất, thành tro nhưng giọng hát thì vẫn còn mãi với mọi người. Có lẽ vì vậy mà không chỉ hát, ông còn sáng tác dân ca. Theo ông, viết rất tốn thời gian nhưng khi nhập tâm thì viết rất nhanh, nhập tâm là có hồn, mà một khi đã có hồn thì xuất khẩu thành lời ca.“Nói về viết kịch bản, thì phải nói rằng viết cho ai, viết cái gì, nội dung sâu sát thì vở diễn mới thành công. Ví dụ, như hiện nay, môi trường không sạch đẹp, đơn vị kia nhờ tôi viết về môi trường, trước tiên là sức khỏe. Sức khỏe là mẹ đẻ của thành công, gia đình không sạch sẽ thì sức khỏe còn gì? Do đó tôi bám chắc vào công việc của mỗi nơi để viết, nhạy bén. Không phải lấy râu kia cắm cằm bà nọ”- ông Hòa cho hay.
Hơn 70 tuổi nhưng ông Hòa vẫn còn rất minh mẫn và sáng tác khá nhanh
Tiếng lành đồn xa, người ta tìm đến ông nhờ viết kịch bản để biểu diễn văn nghệ hay tham gia các cuộc thi ngày một nhiều. Và với mỗi nơi, ông Hòa lại viết một cách khác nhau. Ông phải lột tả cho bằng được điểm riêng của địa phương đó, diễn tả sao cho nghe gần gũi nhất. Nhiều khi, ông phải đi đến đó, để hỏi cho tường tận rồi ghi chép lại, từ đó chuyển những chi tiết ấy thành làn điệu. “Phải hiểu, hiểu cho tường tận về nơi, về cái mình muốn viết” là cách mà ông Hòa sáng tác nên những làn điệu dân ca. Theo từng thời đại, dân ca có sự thay đổi nhất định, không thể đi theo nhất nhất, ông cũng tự mình mày mò tiếp thu để rồi sáng tác. Còn về tiền nhuận bút, cho bao nhiêu thì nhận. Đã có nhiều lần đáp ứng lại phong trào, ông không chỉ sáng tác, tập cho mọi người biểu diễn mà còn ủng hộ thêm tiền. Chung quy cũng bởi vì thích, vì mê. Làm văn hóa tinh thần là chính.
Đã hơn 40 năm kể từ ngày ông Hòa bén duyên với thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Khoảng thời gian ấy đủ để hóa rêu phong những kỷ niệm nhưng với ông Hòa, đó lại là minh chứng cho tình yêu của ông với dân ca. Quên sao được, khi những năm 1975- 1980, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên người chủ gia đình như ông. Tưởng chừng như đam mê của ông khi lọt thỏm trong những gánh lo thường nhật sẽ phai nhạt dần. Nhưng không, là một cán bộ văn hóa xã, với chiếc loa tay và bình ắc quy, ông cùng các anh chị em trong đội vẫn viết, vẫn tập và biểu diễn phục vụ bà con. Bởi, tiếng nói tuyên truyền bằng các làn điệu dân ca rất có sức thuyết phục. Những tràng pháo tay, bao thuốc, gói trà bà con cho đoàn, đó là những món quà mà theo ông là quý hơn ngàn vàng. Những người cán bộ xã như ông khi ấy mỗi tháng được 5kg thóc mà ông nói vui rằng “lúa hát 5 cân”. Để chu toàn giữa việc nhà và đam mê, ông Hòa đã phải tranh thủ từng chút thời gian mà theo ông kể là “tranh thủ trời nắng, quyết thắng trời mưa, đi sớm về trưa, Bốn Hòa có cách”. Và câu nói vui “Văn thơ lai láng, không bằng bánh tráng nhiều mè” ra đời cũng từ đấy. Thời ấy, làm bánh tráng mỗi ngày thu được khoảng một nghìn đồng, còn làm văn hóa không có nghìn nào nhưng vì lỡ mê, lỡ yêu dân ca nên ông cố gắng tăng gia sản xuất để theo đuổi đam mê.
Những bằng khen, giấy khen mà các cấp trao tặng được ông Hòa cất giữ cẩn thận
Trong ký ức của nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Bích - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam, ông Hòa là một trong số những cán bộ văn hóa lâu đời nhất ở huyện Thăng Bình. Mặc dù không qua trường lớp nào nhưng ông Hòa am hiểu, hát được và sáng tác được các làn điệu dân ca. “Trong phong trào cơ sở, có nhiều hạt nhân, trong đó có Nguyễn Tấn Hòa, còn gọi là Bốn Hòa dân ca. Anh là hạt nhân tích cực ở Quảng Nam nói chung và Thăng Bình nói riêng. Trước đây làm trong ban văn hóa, đam mê dân ca, nên học tập theo người đi trước, từ đoàn ca kịch Quảng Nam hay các nghệ nhân để rồi tiếp thu, tự hát và trưởng thành lên.”- nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Bích chia sẻ.
Theo ông Hòa, nói về dân ca, một mình mình thì không thể làm được mà cần cả một làng người. Muốn chuyển tải cho nhiều người thì phải có đội hình cốt cán, sáng tác ra, nhờ họ biểu diễn, chuyển đến quần chúng. Cách đây 10 năm, ông đã tập hợp và truyền lại những kinh nghiệm cho một số anh chị em để kế tục. Thế nhưng, đối với thế hệ trẻ, ông luôn ấp ủ mong muốn làm sao truyền tải để trong tuổi thơ của mình các cháu biết về dân ca. Và ông đang nuôi ý định sắp tới đây sẽ tập hợp những anh chị em cùng đam mê, đến tận cơ sở để gieo tình yêu dân ca vào các cháu học sinh. Từng nhiều lần xem ông Hòa biểu diễn trên sân khấu cũng như tham gia các buổi tập hát dân ca của ông cùng câu lạc bộ dân ca Bình Triều, anh Nguyễn Tấn Quang, sinh năm 1987 luôn thấy ở ông một con người khác, ông hát một cách say mê, từng câu từng lời được ông ngân lên đều ẩn chứa trong đó rất nhiều cảm xúc. Anh Quang cho biết thêm: “Bác Bốn Hòa là một cây văn nghệ của xã, có niềm đam mê sáng tác dân ca. Ngoài ra, bác có niềm đam mê truyền lời dân ca mình sáng tác đến thế trệ trẻ, tạo cho chúng tôi niềm đam mê hát các thể loại dân ca quê hương, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.”
Với tâm niệm lấy cái riêng phục vụ cho cái chung, hơn 70 tuổi, ông Hòa vẫn làm bánh tráng vẫn hát dân ca, sáng tác dân ca và sẵn sàng sẻ chia tình yêu ấy với bất cứ ai có chung niềm đam mê. Một cánh én sẽ chẳng thể làm nên mùa xuân nhưng điều mà “Bốn Hòa dân ca”- nghệ nhân trong lòng dân này đang làm đã góp phần thổi hồn để người ta có quyền tin về sức sống mãnh liệt của âm nhạc cổ truyền dân tộc./.
Thu Sương - Trung Thực
Tin mới
- Xã Bình Phục tổ chức chương trình “Chung tay Vì người nghèo” - 21/05/2018 02:06
- Vẫn xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch - 18/05/2018 06:15
- Sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” - 15/05/2018 08:34
- Tình nguyện tại Bình Nam - 15/05/2018 08:30
- Tin học trẻ - sân chơi trí tuệ của đoàn viên thanh niên và học sinh huyện Thăng Bình - 11/05/2018 08:48
Các tin khác
TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT
- Tin mới đăng
- Tin xem nhiều
-
Làm giàu từ chăn nuôi gà - 2018-08-22
-
Truyền thống làm Xoa xoa ở Bình Nguyên - 2021-01-27
-
Thăng Bình sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn - 2018-12-10
-
Lò lân anh Vỹ - 2018-08-10
-
Khai mạc giải bóng đá nam huyện Thăng Bình 2018 - 2018-07-26
-
Huyện đoàn Thăng Bình khởi động tháng thanh niên - 2018-03-05
-
Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12) - 2018-11-29