Nặng sâu nghĩa tình đồng đội
- Chi tiết
- Chuyên mục: VĂN HÓA - XÃ HỘI
- Lượt xem: 611
Trở về với cuộc sống đời thường, những thanh niên xung phong một thời, nay, có người đã qua đời, có người lập gia đình, song cũng có những nữ thanh niên xung phong đã quá lứa lỡ thì nên vẫn ở vậy. Dẫu cuộc sống còn vô vàn khó khăn, song những thanh niên năm xưa vẫn sống, vượt qua tất cả. Và trong mỗi người luôn lấp lánh những ký ức hào hùng của một thời khói lửa, để rồi ngay cả khi chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, thì nghĩa tình đồng đội giữa những người từng một thời “chia bom sẻ đạn” vẫn còn mãi.
Mãi đến khi bước qua tuổi 70, nữ thanh niên xung phong neo đơn Huỳnh Thị Ngô, thôn Tây Giang, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình mới được ở trong ngôi nhà mới kiên cố. Căn nhà cấp 4 với trị giá 55 triệu đồng là món quà từ quỹ Nghĩa tình đồng đội của hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Thăng Bình. Cuộc sống khổ cực, lại mang đủ bệnh trong người, không còn khả năng lao động, bà Ngô cứ vậy gắng gượng mãi trong ngôi nhà đã dột nát, chứ không đủ khả năng xây mới. “Hồi trước là cái nhà tranh lụp xụp rứa, gió bão ngã, mượn bà con quanh đây sửa đỡ lại. Được hỗ trợ nhà như thế này, tôi bớt đi một gánh lo về nhà cửa. Mừng lắm.”- bà Ngô cho hay.
Cũng chỉ một thân cô quạnh như bà Ngô, bà Trần Thị Xình, thôn Trà Đóa 2, xã Bình Đào sau khi trở về với cuộc sống đời thường gặp rất nhiều khó khăn. Từng có quãng thời gian 12 năm lặn lội vào thành phố Hồ Chí Minh ai thuê gì làm nấy, năm 2010, bà Xình trở về quê. Và may mắn, trong những ngày thấp thỏm nỗi lo khi phải sống trong căn nhà ọp ẹp nhỏ hẹp, bà Xình nhận được sự chung tay từ Quỹ Nghĩa tình đồng đội. “Không thể hình dung được là mình sẽ có được ngôi nhà như thế này, giờ mà có đi đâu thì cũng về sớm. Về cơm nước để ấm nhà ấm cửa.”- bà Trần Thị Xình tâm sự.
Ngôi nhà của cựu thanh niên xung phong Trần Thị Xình (xã Bình Đào) được quỹ Nghĩa tình đồng đội huyện Thăng Bình hỗ trợ xây mới.
Hiện nay toàn huyện Thăng Bình có 615 cựu thanh niên xung phong và 183 người trong số đó đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có người thân già cô quạnh phải ở trong những ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, có người hằng ngày phải chiến đấu với bệnh tật trong nỗi lo, nỗi sợ về kinh tế,..Hơn lúc nào hết, họ rất cần sự sẻ chia, động viên của cộng đồng về vật chất và tinh thần để được sống yên vui trong những năm tháng cuối đời còn lại. Được thành lập từ 8/2017, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” huyện Thăng Bình chính là cầu nối để tiếp nhận và san sẻ yêu thương đến các hội viên khó khăn. Tháng 9/2017, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Huyện đoàn và Đoàn Thanh niên Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai tổ chức lễ ký kết nghĩa. Từ đây, hành trình tìm đến những hoàn cảnh cơ cực của Hội Cựu thanh niên xung phong có thêm dấu chân của những người trẻ. Ông Lê Vũ Dũng- Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Thăng Bình cho biết: “Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu thanh niên xung phong huyện còn lập ra những sổ tiết kiệm, để kịp thời hỗ trợ cho những hội viên gặp rủi ro, hoạn nạn, tiếp sức cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đồng thời, tiếp sức cho con cháu hội viên là học sinh, sinh viên với hàng trăm suất học bổng góp phần thắp sáng ước mơ cho các em.” Và trong mỗi dịp lễ, tết, Ban chấp hành Hội Cựu thanh niên xung phong và những đoàn viên thanh niên huyện nhà lại tìm đến những cựu thanh niên năm xưa để bày tỏ lòng tri ân và ôn lại những hồi ức khó quên. “Câu chuyện của những người trong cuộc luôn được coi là những tư liệu lịch sử sinh động nhất, chân thật nhất. Qua đó, những người trẻ chúng tôi càng thêm tự hào về thế hệ cha anh và càng ý thức hơn trách nhiệm nối tiếp truyền thống hào hùng đó.”- anh Nguyễn Cao Cường- Bí thư Huyện Đoàn Thăng Bình chia sẻ.
Trên những chiếc xe đã nhuốm màu thời gian, những người lính của một thời vẫn đi về. Mỗi ngày họ lại tìm đến một cảnh đời khác nhau, để lắng nghe, để thấu hiểu, để sẻ chia. Dẫu có thể chưa nhiều về vật chất nhưng đó là sự quan tâm, là sự tri ân để những cựu thanh niên xung phong biết rằng họ không hề một mình. Và trên những chuyến đi, xen lẫn màu áo chiến chinh là màu áo xanh thanh niên, những con người trẻ vẫn đang tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn./.
Thu Sương - Trung Thực
Tin mới
- Trường MG Bình Quế đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 - 20/11/2018 07:47
- Bàn giao Ngôi nhà Khăn quàng đỏ - 20/11/2018 07:44
- Hội Cựu TNXP huyện Thăng Bình tập huấn công tác hội - 16/11/2018 15:41
- Phát động tháng hành động vì bằng đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới - 16/11/2018 13:05
- Đổi thay Bàu Bính Thượng - 12/11/2018 15:54
Các tin khác
- Thăng Bình tập huấn công tác Hội cho người cao tuổi - 09/11/2018 15:29
- LĐLĐ huyện tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS năm 2018 - 01/11/2018 08:25
- Thăng Bình sơ kết tháng 10/2018 - 28/10/2018 09:25
- Đồng hành cùng trẻ em làng biển - 23/10/2018 08:25
- Học bổng “Vì em hiếu học” về với học sinh khó khăn - 22/10/2018 01:29
TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT
- Tin mới đăng
- Tin xem nhiều
-
Làm giàu từ chăn nuôi gà - 2018-08-22
-
Truyền thống làm Xoa xoa ở Bình Nguyên - 2021-01-27
-
Thăng Bình sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn - 2018-12-10
-
Lò lân anh Vỹ - 2018-08-10
-
Khai mạc giải bóng đá nam huyện Thăng Bình 2018 - 2018-07-26
-
Huyện đoàn Thăng Bình khởi động tháng thanh niên - 2018-03-05
-
Kỷ niệm 26 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12) - 2018-11-29