Khơi dậy văn hóa đọc

Hội thi thiếu niên tuyên truyền giới thiệu sách hè năm 2018 là dịp để các em học sinh tại huyện Thăng Bình giao lưu, gặp gỡ, nâng cao kỹ năng cảm thụ văn chương, đặc biệt, khơi dậy văn hóa đọc trong thanh thiếu niên trước kỷ nguyên công nghệ số như hiện nay.

Đã thành thông lệ, cứ 2 năm 1 lần, vào mỗi dịp hè, hội thi thiếu niên tuyên truyền, giới thiệu sách tại huyện Thăng Bình được tổ chức. Năm nay, hội thi được Trung tâm Văn hóa – thể thao (VH – TT) phối hợp với Huyện đoàn và Phòng GD - ĐT tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh ở 2 khối Tiểu học (TH) và Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tham gia. Mang đến hội thi cuốn sách “Bao la tình mẹ” của tác giả Đoàn Phú Vinh, em Trần Thị Kiều Linh, học sinh lớp 5/4, trường TH Trưng Vương xã Bình Nguyên không dấu khỏi niềm xúc động trước những câu từ, hình ảnh được diễn đạt trong cuốn sách. Linh chia sẻ, trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có nhiều mối quan hệ, tình cảm xen lẫn nhưng duy nhất tình cảm mà người mẹ dành cho con luôn chứa đựng sự bao la, cao cả. Và tình yêu thương mà những người mẹ dành cho con cái không chỉ dừng lại ở trách nhiệm, bổn phận mà đó là tình yêu thương cao quý, thiêng liêng, vô bờ bến. Thông qua hội thi lần này, em muốn gửi đến các bạn cùng trang lứa thông điệp về sự biết ơn đối với những bậc sinh thành, người luôn dõi theo từng bước chân của con cái trước những phong ba của cuộc đời.

Ngày hội sách là dịp để khơi dậy văn hóa đọc trong thanh thiếu niên.

Còn đối với em Huỳnh Anh Thư, học sinh lớp 5A trường TH Nguyễn Thị Mịnh Khai, cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” chính là hành trang vững chãi để em bước vào đời. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một thế giới rộng khắp của thời thơ ấu mà bất cứ ai trong cuộc đời mình đều bắt gặp thông qua những câu chuyện chân thật của những con người lớn lên từ đồng ruộng chân quê. Với lối kể chuyện hóm hỉnh, mỗi chương trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã tái hiện những nhân vật mà ở đó có sự nghịch ngợm, mông lung với những trò đùa mà chỉ có ở vùng nông thôn mới có, và đôi lúc, những ước mơ của một thời quậy phá lại hiện hữu trong tâm trí với những ai muốn quay về những hoài niệm thời thơ ấu. 

“Thông qua tác phẩm nổi tiếng của nhà văn quê gốc Thăng Bình, em mong muốn các bạn học sinh hãy hạn chế những thú vui trên những chiếc điện thoại smart phone, laptop để hòa mình với những trò chơi của tuổi thơ, như chính những trò vui trong tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, để sau này, khi lớn lên chúng ta lại nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu, như là một món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng” – Em Huỳnh Anh Thư chia sẻ.

Anh Trần Hữu Phước – Phó Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, thành viên Ban giám khảo của hội thi cho hay, với chủ đề “Sách – kết nối yêu thương”, các thí sinh tham gia hội thi năm nay đã mang đến những tác phẩm đa dạng các chủ đề, với nội dung phong phú về sự gắn kết yêu thương giữa gia đình, thầy cô, bạn bè, nhiều em học sinh còn chọn sự gắn kết yêu thương của toàn xã hội để mang đến những cuốn sách hay, ý nghĩa.

“Các đơn vị tham gia hội thi đã có sự đầu tư, dàn dựng cao với các phần phụ họa về âm nhạc, tiểu phẩm, qua đó tạo nên  sự sinh động trong mỗi tác phẩm được các em học sinh giới thiệu. Hội thi nhằm mục đích định hướng thẩm mĩ, hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu cũng như trang bị cho các em vốn sống, sự hiểu biết, khơi dậy tình yêu thương con người, quê hương, đất nước. Đây cũng là sân chơi bổ ích, là diễn đàn để các em giao lưu học hỏi, nâng cao kỹ năng nói, đọc và viết” – Anh Trần Hữu Phước nói.

Chưa bao giờ, văn hóa đọc lại được quan tâm như hiện nay, thời đại công nghệ số đã khiến không ít thanh thiếu niên dành phần lớn thời gian trên những chiếc điện thoại smart phone. Và những hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách chính là nề tảng để khơi dậy văn hóa đọc trong thế hệ trẻ./.

Văn Toàn

 

 

 

 

 

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI