Hỗ trợ phương tiện sinh kế cho người khuyết tật

Được thực hiện tại huyện Thăng Bình từ năm 2017, dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật” của Trung tâm công tác xã hội Quảng Nam và Hội Người khuyết tật tỉnh đã giúp cho bao gia đình người khuyết tật có phương tiện để mưu sinh, cải thiện cuộc sống.

Được hỗ trợ sinh kế giúp người khuyết tật có điều kiện vươn lên trong cuộc sống

Ảnh hưởng do chiến tranh khiến ông Mai Văn Chương, sinh năm 1958, thôn Lý Trường, (Bình Phú) bị tật ở chân gần 50 năm nay. Nhiều năm trước còn gắng gượng làm công việc văn phòng ở hợp tác xã của địa phương nhưng 5 năm trở lại đây, căn bệnh đau khớp và gai cột sống hành hạ nên ông chỉ quẩn quanh ở nhà. Vì thế được nhận một con bò sinh sản từ Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật”, ông Chương không khỏi vui mừng. “Vườn nhà rộng nên có con bò này tôi sẽ đóng cọc quanh nhà,vợ tôi sẽ kiếm cỏ. Cố gắng nuôi. Cũng không biết nói gì hơn, cảm ơn sự quan tâm của cấp trên.”- ông Chương xúc động chia sẻ.

Cũng được nhận bò sinh sản đợt này, từ số tiền hỗ trợ của dự án, gia đình anh Trương Minh Tự, (Bình Phú) đã thêm vào để mua một con bò lớn hơn với hy vọng cải thiện kinh tế của gia đình. Không may bị tật ở chân từ khi mới lọt lòng, mọi sinh hoạt của con gái anh- cháu Trương Vạn Tuyền, 9 năm nay đều phụ thuộc vào ba mẹ. “Có phương tiện sinh kế này, vợ tôi sẽ tranh thủ vừa chăm con, đưa đón con đi học vừa chăm sóc cho bò để có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình.”- anh Tự cho hay.

 Được thực hiện tại huyện Thăng Bình từ năm 2017, dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật” đã đến với 35 người khuyết tật trên địa bàn. Theo đó, với mục tiêu tạo sinh kế để các đối tượng yếu thế có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, dự án đã kết hợp với địa phương đến tận nhà của người khuyết tật, tìm hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của từng hộ gia đình. Ông Võ Văn Kiến- Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ tiền để tạo sinh kế nhưng không phải là khoán trắng cho họ, mà trên cơ sở nhu cầu của từng đối tượng. Ví dụ nếu người khuyết tật muốn nuôi bò thì gia đình họ sẽ cùng với địa phương tự lựa chọn con vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, tránh trường hợp mua bò từ nơi khác đến không thích ứng với điều kiện thực tế.” Dựa trên nhu cầu của người khuyết tật nên các phương tiện sinh kế được dự án được hỗ trợ cũng đa dạng hơn như  bò giống, máy làm bún, bộ đồ nghề cơ khí, dụng cụ sửa xe máy…

Theo ông Phan Phát Đạt- Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thăng Bình, qua khảo sát thực tế, những hộ khuyết tật được nhận phương tiện sinh kế năm 2017 đang làm rất tốt, bò đã sinh sản và bắt đầu mang lại thu nhập. “Hỗ trợ sinh kế, tuy không nhiều lắm, chỉ chừng 7 - 8 triệu đồng nhưng là điều kiện tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật để họ sinh sống và sản sinh ra thêm, tạo thu nhập.”- ông Đạt cho hay.

Với những hiệu ứng tích cực từ cộng đồng, không chỉ là 35 người khuyết tật ở 6 xã mà thời gian đến, hứa hẹn sẽ có nhiều hơn những gia đình có người khuyết tật trên địa bàn huyện Thăng Bình được nhận hỗ trợ từ dự án này. Đây cũng chính là cơ hội để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống./.

Thu Sương- Trung Thực

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI