Hỗ trợ nhà ở cho người có công ở vùng dự án gặp nhiều vướng mắc

Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, huyện Thăng Bình có 1666 nhà được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ. Từ đây, nhiều hộ gia đình chính sách trên địa bàn có cơ hội được sửa chữa, xây dựng mới nhà cửa. Thế nhưng, tại các xã vùng đông của huyện, vì nằm trong vùng dự án, nên  nhiều hộ gia đình chính sách không những không được hỗ trợ, mà còn phải đang thấp thỏm sống trong những ngôi nhà ngày càng xuống cấp, trong khi mùa mưa bão lại đang đến gần.

Hàng chục gia đình có công với cách mạng ở vùng đông Thăng Bình không có điều kiện sửa chữa phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ bà Phan Thị Miễn, 75 tuổi, ở thôn 4, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình đã nuôi mong mỏi có được một ngôi nhà kiên cố suốt 5 năm nay. Từ khi chính quyền địa phương rà soát đến khi UBND tỉnh có phê duyệt chính thức, bà đã khấp khởi mừng vui, rằng sẽ sớm thoát khỏi sự sợ hãi khi hằng ngày phải sống một mình trong ngôi nhà ọp ẹp. Thế nhưng, tuổi càng ngày càng cao, sức càng ngày càng yếu, ngôi nhà càng lúc càng dột nát mà mãi vẫn chưa được nhận hỗ trợ. “Cứ mưa bão là tôi tới nhà họ nấp chứ không dám ở nhà. Mấy lần trước, bão rồi ngã cây chèn lên mái nhà bể hết ngói phải mua về lợp đỡ lại. Mấy bữa ni nóng quá, tôi cũng tới nhà họ ở chứ không ở nhà mình được. Mà chừ cũng không biết làm sao sửa, có tiền mới sửa được, không có, lấy chi sửa.”- bà Miễn chia sẻ.

Lý do khiến ngôi nhà bà Miễn bị lần hồi chưa được hỗ trợ là bởi nơi đây nằm trong dự án Nam Hội An. Không chỉ riêng bà mà 21 hộ khác trên địa bàn xã Bình Dương cũng trong tình cảnh tương tự. Và con số này ở xã Bình Hải là 31 hộ. Không thể sống trong những ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, 12 gia đình chính sách trong số đó đã tự xoay sở, chạy vạy để sửa chữa, cải thiện tình trạng ngôi nhà. Chị Cao Thị Hiếu Phước- cán bộ Văn hóa- Xã hội xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho hay: “Tâm  lý của người dân đều mong muốn được hỗ trợ theo Quyết định 22 của Thủ tướng chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, để có thêm một phần kinh phí. Những nhà đã sửa chữa rồi thiếu nợ thì họ gom vào trả nợ, một số nhà chưa xây mới hay sửa chữa thì để họ có điều kiện sửa chữa, trước mùa mưa bão.”

Theo văn bản trả lời của Sở xây dựng Quảng Nam, các trường hợp trên đây không thuộc diện hỗ trợ nhà ở cho người có công mà được xem xét hỗ trợ theo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định. Trong khi chưa biết khi nào họ sẽ được bố trí tái định cư, thì địa phương phải vận dụng các nguồn kinh phí khác hỗ trợ theo quy định. Ông Phan Thanh Vân- Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Thăng Bình cho biết, theo thông báo của Tỉnh ủy cũng như của Sở Xây dựng thì các nhà nằm trong vùng dự án sẽ không được sửa chữa, cơi nới, do đó có những khó khăn bất cập. Đối với chính quyền địa phương đã làm việc và kiến nghị nhiều lần với tỉnh, với huyện tìm hướng giải quyết giúp cho người dân trong dự án này được sửa chữa nhà ở. “Đối với một số trường hợp dân người ta chờ lâu quá thì cũng đã có một số hộ sửa chữa, còn lại một số thì chúng tôi cũng đã cho cán bộ lao động thương binh xã hội xuống rà soát. Sau khi xem xét những nhà nào xuống cấp quá thì chúng tôi tìm cách trích kinh phí từ quỹ đền ơn đáp nghĩa…để đảm bảo điều kiện khi mùa mưa bão sắp đến”- ông Phan Thanh Vân cho hay.

Các dự án chậm triển khai nên việc bố trí tái định cư cho các trường hợp trên là điều chưa thể thực hiện ngay lúc này. Trong khi đó, mùa mưa bão đang đến gần, hàng chục gia đình chính sách trong vùng dự án lại nơm nớp nỗi lo “đi không được mà ở cũng xong”./.

Thu Sương - Thành Châu

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI