Đánh bóng lư đồng ngày Tết

Cứ mỗi dịp cận tết, trên địa bàn huyện Thăng Bình, nghề đánh bóng lư đồng lại xuất hiện khắp nơi, do nhu cầu làm mới nơi thờ tự của các gia đình, cũng như những cơ sở tâm linh để đón năm mới. Đây là công việc tuy chỉ có khách hàng vào tháng chạp hàng năm, nhưng nó lại mang đến thu nhập giúp nhiều gia đình có thêm điều kiện trang trải mua sắm để có một cái tết tươm tất hơn.

 

          

Góc hành nghề đánh bóng lư đồng của ông Nguyễn Ngọc Liêm

Lư đánh bóng chủ yếu của khách quen

Như mọi năm, qua rằm tháng chạp, ông Nguyễn Ngọc Liêm sống tại Khu phố 4 thị trấn Hà Lam lại tất bật đưa máy móc, vật dụng phục vụ cho việc đánh sáng lư đồng ra để cố định tại một vị trí thoáng, sáng trước nhà. Không gắn biển “Đánh lư đồng” nhưng kể từ khi đưa máy ra, ngày nào ông cũng đánh bóng vài ba món đồ đồng. Trong danh mục khách hàng của mình, ông Liêm có khoảng 35 hộ, là những gia đình có lư đồng để bàn thờ tự. Đây là những gia đình có thâm niên nhờ ông đánh sáng lư đồng sống quanh thị trấn Hà Lam. Khách quen đến nỗi, không ngồi chờ họ đưa lư đến, hễ qua rằm tháng chạp trở đi, ông Liêm tự động liên hệ từng gia đình, đến mang lư về, sắp xếp thời gian đánh bóng xong rồi trả lại.

Năm nào cũng vậy, ông Vũ Trọng Sơn (Khu phố 6, thị trấn Hà Lam) luôn là vị khách mở hàng “mùa” làm sáng bóng lư đồng của ông Nguyễn Ngọc Liêm. Sở dĩ luôn là vị khách mở hàng vì trước đây gia đình làm nghề kinh doanh hàng quán, nên ông thường làm mâm cỗ tất niên sớm. Trước đó, gia đình thường sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa, ban thờ, trong đó có đánh bóng lại các chân đèn, lư hương của nhà thờ tộc Vũ. Lâu dần thành quen. Nhìn những chiếc lư, chân đèn sáng bóng lung linh trên ban thờ 3 ngày tết ông luôn cảm thấy an tâm, trong lòng như vui hơn.

Duyên nghề…

 

Cẩn thận kiểm tra lại độ sáng của những chiếc lư, đồ đồng trước khi giao trả cho khách

Việc đánh bóng Lư đồng vận vào ông Liêm như một “cái duyên nghề”. Là dân cơ khí sữa xe máy nổ, sẵn có máy móc, lại là người có xuất thân từ làng Phú Chiêm- Điện Bàn, cái nôi truyền thống của nghề đúc đồng Quảng Nam, ông hiểu rất rõ cùng với bụi bám và khí hậu, qua thời gian các vật dụng bằng đồng sẽ bị gỉ đen loang lỗ. Việc lau chùi bằng khăn ướt không thể trắng sáng được, vì vậy cần phải được đánh bóng bằng máy móc và chất tẩy rửa chuyên dụng. Với kinh nghiệm và máy móc sẵn có, ông đã phục vụ nhu cầu làm đẹp các món đồ đồng, lư đồng. Một bộ lư đồng thường có 2 chưng đèn, ở giữa là nồi cái có 3 chân, gọi là Lư đồng. Lư đồng dùng để đốt giác, đốt trầm. Ngoài ra còn có nhiều món vật dụng bằng đồng khác như đục bình, các bức tượng đồng chạm trỗ tinh vi, các hộp, tráp đựng trầu, đựng vật dụng quý giá. Kích cỡ lư, số lượng đồ đồng cần đánh bóng có thể phản ánh gia thế xưa của từng gia đình.

Hơn 20 năm làm nghề đánh bóng lư đồng, với ông Liêm có không ít những kỷ niệm vui, buồn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm khi ông mới bước vào nghề, mặc dù vốn dĩ là người tỉ mĩ, rất kỹ tính, thế nhưng ông đã giao lạc mất một cái lục bình nhỏ bằng một gang tay người lớn. Mặc dù sau đó vẫn tìm trả lại được , nhưng nó đã để lại cho ông bài học nhớ đời. “Vì vậy, kể từ đó, mỗi khi nhận hàng đánh bóng của khách, tôi cẩn thận bỏ vào từng bao riêng, chọn bao đựng mới không thủng, dán giấy ghi tên rõ ràng. Làm từng người một theo danh sách hẹn giao trả hàng.”- Ông Liêm kể.

 

Thành phẩm làm đẹp những ban thờ tự tâm linh của nhiều gia đình

Bình quân mỗi bộ lư đánh xong ông thu về từ 200 ngàn đồng trở lên. Theo đó, mỗi năm việc đánh bóng lư đồ đồng đã mang lại cho ông Liêm khoản thu nhập kha khá, hỗ trợ trang trãi mua sắm tết trong gia đình. Trong tiếng mô tơ quay, đôi bàn tay gầy in hằn những nếp nhăn, ông Liêm thoăn thoắt áp thân lư đồng vào máy cà sáng, ông tỉ mẫn cọ chùi đến từng eo, ngóc ngách, vị trí hẹp khó nhất. Làm việc chú tâm đến nỗi ông chỉ nói chuyện khi ngừng tay. Qua tay ông từng chiếc lư đồng, các hiện vật tâm linh quý giá hiện lên sáng bóng. “ Mỗi năm chỉ có một lần được làm sáng phải làm cho thật kỹ, thật đẹp, “ông bà tổ tiên” mới vui chứng giám được. Để khách quen không bỏ, khách mới tìm đến, kiếm thêm chút tiền phụ giúp mua sắm tết.”-  cười vui ông nói.

Ở thị trấn Hà Lam, ngoài ông Nguyễn Ngọc  Liêm vẫn còn một số người làm nghề đánh bóng lư đồng ngày tết. Mỗi cụm dân cư có một người, như ở ngã 3 Trần Thị Lý, Xuân Diệu, hay trên khu Tòa Án…Tuy nhiên, các ông làm nghề đều có khách quen, không ai xâm phạm khách của ai. Khi được hỏi về việc có truyền nghề không, các ông đề cười buồn nói: Mặc dù đánh bóng lư đồng có thể được coi là nghề kiếm được tiền dịp cuối năm, nhưng để làm được, ngoài việc phải sắm cho mình một mô tơ quay, vì lư đánh là chất đồng, muốn trắng bóng phải dùng cục lơ chứa chất axit sunpuaric là chất cực độc, tiếp xúc sẽ ăn mòn tay, không tốt cho sức khỏe nếu phải hít lâu ngày. Vì vậy, giới trẻ bây giờ ít có người muốn làm. Hiện các ông đang làm vì tình yêu đối với những gia đình có lư đồng, muốn cùng gia chủ làm sáng những chiếc lư, chân đèn, vậy dụng gia truyền. Làm đẹp ban thờ nơi thờ tự tâm linh của các gia đình trong dịp tết cổ truyền của dân tộc.

HỒNG NĂM

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI