Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam

Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo về gia đình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

          Trãi qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Vấn đề gia đình luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm – Mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đều hướng vào mục đích: Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhằm tạo ra bộ mặt văn hóa của mỗi thành viên, mỗi gia đình, làng xã, tạo động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

          Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho mọi gia đình từng bước được nâng cao. Kinh tế hộ gia đình thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự tăng trưởng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở phát triển, ngày càng có nhiều gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo và nâng cao mức sống. Cùng với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nhiều chính sách được Nhà nước ban hành đã hỗ trợ cho nhiều gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình có công với cách mạng, gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là bình đẳng giới và quyền trẻ em, vai trò của người phụ nữ, người cao tuổi trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Quyền trẻ em đã được Pháp luật thừa nhận, được xã hội và gia đình thực hiện và tôn trọng.

          Nhìn lại quá trình phát triển của huyện Thăng Bình trong những năm qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy những đổi thay tích cực trong cuộc sống của mỗi gia đình, làng, xã. Đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp; mức sống vật chất, mức hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần được cải thiện rõ rệt; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng như: Điện – đường – trường – trạm, các thiết chế văn hóa… được chăm lo xây dựng. Tính năng động xã hội của một bộ phận dân cư, đặc biệt là lớp trẻ đã làm cho nhiều vùng quê trong huyện sống động hẳn lên…

          Tuy vậy, mặt trái của kinh tế thị trường cũng in dấu ấn khá rõ trong đời sống xã hội hiện nay, để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là sự xuống cấp về đạo đức trong một số gia đình, cá nhân là hiện tượng có thật. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, tương thân, tương ái, bao dung độ lượng đang có biểu hiện bị xóa mòn bởi lối sống thực dụng, ích kỷ, lai căng trong một bộ phận tuổi trẻ. Các tệ nạn xã hội và tình trạng bạo hành trong gia đình, trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật đang có chiều hướng phát triển.

          Nguyên nhân của tình hình nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò chức năng của gia đình và công tác gia đình; công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của đất nước; những mặt tích cực của gia đình chưa được phát huy. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời.

          Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình nhất là từ sau khi giải thể Ủy ban dân số gia đình và trẻ em các cấp.

          Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời ban hành các văn bản như:

          - Luật hôn nhân và gia đình được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015;

          - Luật Trẻ em được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 5 tháng 4 năm 2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017;

          - Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006;

          - Chỉ thị số 49 ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước;

          - Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008;

          - Quyết định số 629 ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

          Đặc biệt từ khi có Quyết định số 72 ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, từ đó trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình được đề cao nhằm thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng gia đình văn hóa.

Hưởng ứng các phong trào trên, trong những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể, Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”(TDĐKXDĐSVH) huyệntiếp tục tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Từ đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên đáng kể, đời sống văn hóa cơ sở ngày càng phong phú, các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; bộ mặt nông thôn, đô thị từng bước đổi mới, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh trên địa bàn huyện.

Kết quả tỷ lệ đạt danh hiệu GĐVH tăng theo từng năm. Nếu năm 2013, có 36.270 gia đình đạt GĐVH, đạt tỷ lệ 75,3% thì đến cuối năm 2017 có 42.867 gia đình đạt GĐVH, đạt tỷ lệ 86,4%. Hầu hết các gia đình đều gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.Qua phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, việc triển khai các Nghị quyết, Chủ trương của Đảng và Nhà nước đến nhân dân đã đạt được những kết quả đáng kể thông qua các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thông qua hệ thống trạm truyền thanh, văn nghệ thông tin lưu động...Từ các hoạt động này, nhân dân đã nắm được các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, quy chế dân chủ ở cơ sở. Cảnh quan văn hóa và vệ sinh môi trường ở các gia đình, thôn, tổ dân phố được chú trọng. Đa số các thôn, tổ dân phố đã xây dựng mô hình thu gom rác thải; nhiều tổ đoàn kết, tổ dân phố phát động thực hiện giỏ rác gia đình, tổ chức dọn vệ sinh thường xuyên hằng tháng tạo cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, nhiều thôn xóm huy động nhân dân làm đường bê tông liên thôn, liên xóm.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều GĐVH tiêu biểu, sản xuất kinh doanh giỏi, như gia đình ông Mai Thanh Hóa (thôn 4, xã Bình Dương), gia đình bà Lê Thị Cẩm (thôn 4, xã Bình Lãnh), gia đình ông Nguyễn Ngọc Cường (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục), gia đình ông Nguyễn Viết Vinh (thôn Lý Trường, xã Bình Phú), gia đình ông Nguyễn Đức Bông (thôn Đồng Đức, xã Bình Định Nam), gia đình ông Phan Tấn Nhựt (Tổ 1, thị trấn Hà Lam), gia đình ông Hồ Văn Mãn (thôn An Mỹ, xã Bình An),…

Kinh tế - xã hội càng phát triển, công tác gia đình càng phải được chú trọng. Để tạo chuyển biến quan trọng cho sự nghiệp xây dựng gia đình văn hóa, từng bước đưa “Ngày gia đình” vào cuộc sống, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, Ban chỉ đạo phong trào từ huyện đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cần nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong sự phát triển chung của toàn xã hội. Gia đình có ổn định thì cộng đồng và xã hội mới ổn định và phát triển; nâng cao nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình, của xã hội trong việc xây dựng gia đình văn hóa; tổ chức xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với các phong trào thiết thực khác để phát huy hơn nữa giá trị của gia đình trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục và với giá trị gia đình.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác xây dựng gia đình văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chính sách về công tác gia đình, đặc biệt gương người tốt, việc tốt, các mô hình điển hình; chú trọng tuyên truyền về Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình giai đoạn 2015 - 2020.

          Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2018 tiếp tục tuyên truyền với chủ đề "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”với ý nghĩanhằm trân trọng những giây phút sum họp của gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm, đầy tình cảm yêu thương;bữa cơm là thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; đềcao những giá trị nhân văn sâu sắccủa gia đình, tôn kính bậc sinh thành,tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng, anh em, yêu thương chăm sóc con trẻ.

          Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, tổ chức sum họp gia đình bằng các hoạt động ý nghĩa, nhắc nhỡ nhau xây dựng giữ gìn nề nếp gia phong, tô đắp nền tảng gia đình trở nên bền vững. Để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mọi người, nơi đó trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, người già được phụng dưỡng, vợ chồng hạnh phúc bên nhau./.

Võ Đăng Như

 

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI