Thăng Bình, nhiều nơi vẫn còn ngập sâu

Tính đến chiều ngày 12.10, trên địa bàn huyện Thăng Bình không có mưa, tuy nhiên nước đang rút rất chậm. Hiện nay nhiều vùng trũng thấp, nhất là các xã vùng đông của huyện vẫn đang bị ngập sâu trong nước. Nước ngập, đời sống của người dân vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

 

Heo, gà được người dân gửi tạm tại chân cầu Bến Đá (thôn Phước An xã Bình Hải)

Mưa đã ngớt sau cơn bão số 6, dưới chân cầu Bến Đá (thôn Phước An xã Bình Hải) vẫn ngổn ngang nhiều thứ, nhất là heo, gà của các hộ dân đã được đưa lên đây để tránh trú. Vợ chồng ông Trần Hồng may mắn có nhà nằm sát chân cầu Bến Đá, vì vậy khi hay tin mưa lũ, gia đình đã chuyển 1 con heo nái và hàng trăm con gà lên phía chân cầu để tá túc. Cứu được gia cầm, nhưng ngôi nhà của gia đình ông Hồng vẫn chìm sâu trong nước đến 2m. Ông Trần Hồng cho hay: 16 hộ dân ở gần cầu Bến Đá là vậy. Mưa lớn là nước vô ngập nhà, bà con chỉ còn biết dựa vào chân cầu để đưa mấy con gia súc, gia cầm lên đây để trú tạm. Còn về người thì nhà ai cũng đã sắm sẵn 1 chiếc ghe để khi nước ngập vô nhà thì lên ghe thuyền mà sinh hoạt, ăn uống. Năm nay mưa lớn quá, so với cơn lũ lụt sử năm 1999 thì không bằng, nhưng nước ngập sâu hơn mọi năm.

 

Nước vẫn ngập sâu taị chân cầu Bến Đá

 

Nhà của ông Trần Văn Tàu có hơn 30 con gà đã chết do ngập nước. Hiện nhà ông đang phải sống dựa vào chiếc ghe bởi nhà đã ngập sâu

Không may mắn như gia đình ông Trần Hồng, cơn bão số 6 vừa qua, hơn 30 con gà gần xuất chuồng của gia đình ông Trần Văn Tàu đã bị trôi theo dòng nước. Hiện ngôi nhà vẫn còn ngập lên đến cửa sổ, vì vậy chiếc ghe được xem là nơi tá túc an toàn của hai cha con ông. Theo ông Trần Văn Tàu, ở đây đã bị cắt điện nhiều ngày liền, nhưng nhờ mấy đứa nhỏ trong xóm có điện thoại, nên cũng được thông tin về tình hình thời tiết. Thế nhưng do mưa lớn liên tục, nước lại lên nhanh nên chỉ chạy cứu thân, còn gà thì chết hết trong chuồng. “Nghe nói chuẩn bị có mưa nữa nên bà con ở đây rất lo, sợ nước sẽ tiếp tục dâng cao lên nữa. Bây giờ thiệt hại trước mắt, bà con sẽ cố gắng khắc phục để ổn định cuộc sống”- Ông Trần Văn Tàu nói.

 

Người dân gần cầu Bến Đá vẫn sinh hoạt trên những chiếc ghe như thế này

Trong 16 hộ dân tại chân cầu Bến Đá thôn Phước An có một xóm nhỏ mang tên Ba Ông Táo. Bởi xóm này chỉ có 3 ngôi nhà đang sinh sống tại đây. Để tiếp cận được xóm Ba Ông Táo, chúng tôi được ông  Trần Hồng chở bằng ghe vào đây. Qủa thật, 3 ngôi nhà đều có gác lững để chứa đồ khi mưa lụt dài ngày. Nhà bà Trần Thị Gặp hiện nước vẫn còn bủa vây tứ phía. Con bò gia đình bà Gặp đã dắt đi trước đó gửi tạm trên cao. Mấy con gà và vịt vẫn còn nơi ráo để trú chân, di nhất chỉ có con heo nái đã phải ăn, ngủ trong biển nước nhiều ngày qua. Bà Trần Thị Gặp cho biết: Gia đình cũng mong nước rút nhanh để cứu mấy con gà, con vịt, nhất là con heo trong chuồng. Sợ rằng mưa nữa, con heo cũng sẽ chết bởi 2-3 ngày nay nó đã bị dầm mình trong nước.

 

Con heo nái của gia đình bà Gặp đã ở dưới nước nhiều ngày qua

Sau mưa, bão vừa qua, UBND xã Bình Hải vẫn đang thống kê thiệt hại, chỉ tính riêng cơn lốc diễn ra gần trưa ngày 11.10 đã có 30 nhà ở bị tốc mái, trong đó có 6 nhà bị tốc hoàn toàn. 1 người trong quá trình tham gia di dời nhà cửa giúp dân đã xảy ra tai nạn hiện đang nằm viện để điều trị.

Còn tại xã Bình Trung, hiện vẫn còn 3 thôn gồm Trà Long, Tứ Sơn và Đồng Xuân bị cô lập hoàn toàn, chính quyền địa phương vẫn chưa tiếp cận được 3 thôn nay do bị ngập quá sâu, không có phương tiện để di chuyển vào.

 

Nhiều hoa màu của bà con vùng  đông vẫn đang ngập sâu. Ảnh ghi nhận lúc 12h trưa ngày 12.10

Cũng theo UBND xã Bình Trung, chờ khi nước rút đi, địa phương sẽ cắt cử lực lượng đến từng hộ gia đình để động viên, khảo soát thiệt hại, sau đó mới tính đến phương án hỗ trợ. Trước mắt, địa phương cũng vẫn động bà con ở các thôn bị ngập sâu không được di chuyển ra ngoài để tránh nguy hiểm.

GIANG BIÊN - VĂN TOÀN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI