Sở NN&PTNT Quảng Nam làm việc tại huyện Thăng Bình

Chiều ngày 17.5, đoàn công tác của Sở NN&PTNT Quảng Nam do ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam dẫn đầu có buổi làm việc với huyện Thăng Bình nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tham dự buổi làm việc về phía huyện Thăng Bình có các ông Võ Văn Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Hồ Văn Minh – Phó Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện.

 

Quang cảnh buổi làm việc.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thăng Bình cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Thăng Bình có 17/20 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 85%, bình quân đạt 18,25 tiêu chí/xã. Có 21 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, có 6 thôn được UBND huyện công nhận “Thôn đạt chuẩn NTM”. Về chương trìnhMỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến cuối năm 2021 huyện Thăng Bình có 24 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.

Thực hiệnNghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, năm 2021 huyện đã phê duyệt và triển khai 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, với tổng kinh phí hơn 25,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ  hơn 3,8 tỷ đồng, huyện Thăng Bình đối ứng hơn 21,5 tỷ đồng...

Lãnh đạo huyện Thăng Bình kiến nghị Sở NN&PTNT ban hành quy chế mẫu phối hợp giữa Phòng NN&PTNT và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tham mưu UBND huyện, Sở NN&PTNT tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch cúm gia cầm trong thời gian từ ngày 01.01.2021 đến nay.

Liên quan đến phát triển nông thôn, huyện Thăng Bình đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh kiến nghị lên cấp trên sớm phân bổ kinh phí để địa phương thực hiện xây dựng NTM, nhất là đối với 3 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2022 và các xã xây dựng NTM nâng cao.Đồng thời sớm có hướng dẫn việc đánh giá tiêu chí, quy trình làm hồ sơ minh chứng cũng như các văn bản hướng dẫn về xét, đánh giá và công nhận xã đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao để huyện triển khai thực hiện.

Cạnh đó, trên địa bàn huyện có nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, cần làm mới hoặc sửa chữa để phục vụ nước tưới cho sản xuất như: 68 para ngăn mặn dọc sông Trường Giang đoạn qua huyện Thăng Bình đã xuống cấp, làm cho khoảng hơn 1.000 ha đất sản xuất lúa bị ảnh hưởng do nhiễm mặn. Tuyến đường dọc bờ kênh chính Bắc Phú Ninh, đoạn qua thôn Long Hội (xã Bình Chánh) bị sạt lở, gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam quan tâm sửa chữa...

 

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc với huyện Thăng Bình.

Sau khi nghe báo cáo, đề xuất kiến nghị của huyện Thăng Bình, ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Namyêu cầu lãnh đạo các phòng chức năng của Sở căn cứ vào nhiệm vụ quản lý từng lĩnh vực làm rõ và giải quyết từng nội dung liên quan mà UBND huyện kiến nghị.

Kết luận buổi làm việc, ông Phạm Viết Tích yêu cầu huyện Thăng Bình tiếp tục theo dõi tình hình dịch tả lợn Châu Phi, hoàn thành đề án nhân viên thú y cấp xã; Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam làm việc với huyện Tiên Phước và Thăng Bình để thống nhất ranh giới quản lý rừng giữa 2 địa phương, không để xảy ra tranh chấp; khi định hướng phát triển sản phẩm OCOP Thăng Bình phải gắn với vùng chuyên canh sản xuất của huyện. Liên quan đến chuyển đối số của ngành nông nghiệp tỉnh, ông Phạm Viết Tích yêu cầu ngành nông nghiệp huyện Thăng Bình phối hợp cùng với Sở thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả nhất.

MINH TÂN

TRUYỀN HÌNH MỚI NHẤT

  • Tin mới đăng
  • Tin xem nhiều

THĂNG BÌNH QUÊ HƯƠNG TÔI